đạn. Mà lại là đánh nhau trên núi chứ không phải ở trung tâm huấn luyện
Balasikha. Vì không phải ở trung tâm huấn luyện nên mỗi thứ dù vặt vãnh
đến mấy cũng có thể ảnh hưởng ngay tới mạng sống của mỗi người và của
đồng đội, do vậy không thể bỏ qua bất cứ cái gì.
Đến thời điểm đó lệnh tấn công lâu đài Amin đã được ban ra. Tòa lâu đài
nằm cách vị trí đóng quân của tiểu đoàn khoảng một cây số, ở vị trí hết chê:
Có một con đường từ lâu đài đi ra dẫn thẳng vào núi. Có nghĩa trong trường
hợp khẩn cấp luôn có đường để rút lui. Cách tòa nhà chính của lâu đài là trụ
sở hiến binh; bên trái là doanh trại của tiểu đoàn cảnh vệ I, bên phải – tiểu
đoàn cảnh vệ II. Nằm giữa các doanh trại và dinh thự là ba chiếc xe tăng
nửa chìm dưới đất. Cuối cùng là doanh trại đội cận vệ quốc gia bố trí ngay
ở tầng dưới cùng của dinh thự. Buổi chiều hoặc có khi vào ban đêm, nếu
không ngủ được, các chiến sĩ đội đặc nhiệm “A” thường rời nơi đóng quân
nhìn rất lâu về phía tòa lâu đài sáng rực ánh đèn. Họ đều phục vụ lâu năm
trong ủy ban an ninh nên có thể không mấy khó khăn nhẩm tính được tương
quan lực lượng. Sau đó thì lo lắng vì sự chênh lệch lực lượng quá lớn. Đội
“Grom” có hai mươi bốn chiến sĩ, đội “Zenit” cũng có khoảng ngần ấy.
Thêm quân số của “Tiểu đoàn Hồi giáo”… Nhưng tiểu đoàn này ngay từ
đầu chỉ được giao nhiệm vụ hỗ trợ. Vậy là họ chỉ có hai trung đội để tấn
công một pháo đài như vậy! Còn gì nữa? Trong một buổi trinh sát thực địa,
Romanov đã nêu câu hỏi này cho tướng Drozdov, người chịu trách nhiệm
điều phối hoạt động của các đơn vị KGB và bên Bộ Quốc phòng. Vị tướng
im lặng hồi lâu, đưa mắt nhìn con đường cái lượn quanh lưng đồi và cái
dáng đồ sộ của tòa lâu đài rồi ngoảnh lại nói:
- Romanov, tôi tin cậu như con của mình. Vì danh dự của Tổ quốc tôi đã
ném vào đây tất cả những gì mình có: Hai xe “Silka”, sáu xe bọc thép. Còn
lại thì trông vào cậu…