nhà khảo cổ hơn là một nhà văn. Vì thế tôi cũng chẳng có tư cách gì mà
bình luận về những chọn lựa của Bảo, tôi có biết cái khỉ gì đâu mà đưa ra ý
kiến. Chúng tôi đến tất cả những hội chợ sách trong thành phố, đi tìm
những quán cafe sách ngõ ngách nhất có thể và tiêu tốn thời gian cả ngày
cho những việc không tên. Đến khi chiều tan, tôi đi bộ đưa cô về nhà. Càng
dành thời gian nhiều cho cô, tôi càng bị ám ảnh bởi cảm giác rằng nếu
trong cuộc sống này bạn không tìm được một người để đọc sách cùng, có
nghĩa là bạn chẳng thật sự có người bạn nào cả.
Bảo là một người cực đoan trong mọi chuyện. Từ khi bắt đầu biết cô,
tôi chưa từng bao giờ thấy Bảo cười, đôi môi hơi nhếch về hai phía là thứ
duy nhất gần giống như thế. Cô chẳng chơi với ai khác, không cả một sự
liên lạc, theo đúng nghĩa đen. Bảo dường như đẩy mọi thứ đến giới hạn cao
nhất của nó. Trong đầu cô gần như đã phân loại thành một danh sách gạch
đầu dòng chia làm hai cột yêu ghét rất rành mạch. Tôi có thể nhận thấy
điều đó qua việc dù lê lết khắp nơi với cô, tôi chưa từng thấy Bảo mặc quần
một lần nào. Khi nói quần, ý tôi là thứ thực sự được coi là quần, như kiểu
quần bò, quần kaki, quần short hay gì đó tương tự. Cô luôn luôn mặc váy,
dù là đi bất cứ đâu, từ trường học cho đến nhà thờ, từ một quán nước vỉa hè
cho đến một quán cafe sang trọng. Cô chính là một tín đồ trung thành của
chủ nghĩa váy bướm.
Bảo đặc biệt không thích những người ăn xin. Cô còn từng nói với tôi
trong một lần cả hai đang đi bộ cạnh một khách sạn trung tâm:
"Tôi chúa ghét ăn xin, nhất là những người có thể lao động được. Tôi
sẽ không bao giờ cho dù chỉ một nghìn khi gặp họ. Muốn có tiền thì phải
lao động, tôi cũng thế, họ cũng vậy, ai cũng như nhau. Nếu tất cả xã hội này
ngửa tay xin tiền người khác, thì rồi nhân loại sẽ đi về đâu?"
Khi nói điều đó, cô làm một vẻ mặt giống như vừa uống phải nước tẩy
móng tay, mũi nhăn lại và mồm há ra như sắp nôn ọe. Tôi biết cảm giác đó
bởi đã một lần uống nhầm nó khi mẹ tôi để vào tủ lạnh, trông chẳng khác gì