hắn khỏi phải lo gì cho tôi đến khi quyết toán cuối tháng xong xuôi. Vì thế
mà đôi khi muộn tiền".
"Mẹ sẽ không chịu đựng nổi nếu con lại mất nốt chút vốn liếng mẹ thu góp
được cho con". Bà nói "Mẹ cứ nghĩ Earl chả phải tay làm ăn cừ. Mẹ biết,
anh ta chẳng tin cậy con đến mức bảo đảm cho cả những khoản đầu tư của
con đâu. Mẹ phải nói chuyện với anh ta mới được".
"Thôi mẹ cứ mặc hắn" tôi nói. "Đấy là việc của hắn".
"Con bỏ vào đó những một ngàn đô la kia mà".
"Mẹ cứ mặc hắn" tôi nói. "Tôi sẽ trông chừng mọi việc. Tôi có giấy uỷ
quyền của mẹ rồi. Chẳng sao đâu".
"Con không biết con là nguồn an ủi thế nào đối với mẹ" bà nói. "Con vẫn là
niềm hãnh diện và niềm vui của mẹ nhưng khi tự ý con cứ nhất định gửi
lương tháng của con vào tài khoản của mẹ, thì mẹ cảm tạ Chúa đã để con
lại cho mẹ khi Chúa gọi đi những người khác".
"Họ cũng được mà" tôi nói. "Họ đã làm hết sức mình còn gì".
"Khi con nói thế là mẹ biết con còn oán bố con lắm" bà nói. "mẹ nghĩ con
có quyền oán trách. Nhưng nghe con nói mẹ cứ đứt từng khúc ruột".
Tôi đứng lên. "Nếu mẹ định khóc" tôi nói "thì mẹ sẽ phải khóc một mình
đấy, vì tôi phải đi làm. Tôi lấy sổ tiết kiệm".
"Để mẹ lấy" bà nói.
"Mẹ cứ ngồi" tôi nói "Tôi sẽ lấy". Tôi lên gác lấy cuốn sổ tiết kiệm trong
ngăn kéo của bà và ra phố. Tôi đến ngân hàng gửi chỗ tiền trong ngân
phiếu và bưu phiếu cộng với mười đô la nữa, và rẽ qua bưu điện. Cao hơn
lúc mở cửa một điểm. Tôi đã mất tới mười ba điểm chỉ vì con ranh ấy đến
gây chuyện ở đó lúc mười hai giờ, rầy rà tôi về lá thư.
"Thông báo này đến lúc nào?"
"Một giờ trước " hắn nói.
"Một giờ trước?" tôi nói. "Vậy chúng tôi trả tiền cho anh để làm gì?" tôi
nói. "Báo cáo hàng tuần chắc? thế này thì anh mong người ta làm ăn kiểu
nào đây? Cả lũ mẹ kiếp có sạt nghiệp cũng không biết chứ đừng nói".
"Tôi chẳng mong các ông làm kiểu nào cả" anh ta nói. "Người ta đổi đạo
luật về việc đầu cơ thị trường bông rồi".