cái gì".
"Ừ" tôi nói. "Bây giờ lão có thể đi diễu hành hết ngày này sang ngày khác.
Nếu chẳng nhờ ông nội tao, lão đã phải quần quật như dân trắng".
Tôi không thấy lão ở đâu cả. Nhưng ngay cả một gã da đen cày cuốc người
ta cũng khó mà tìm ra lúc cần đến huống hồ một kẻ gặp may không phải
trông vào đất cát để sống. Một chiếc xe đi qua. Tôi tới thị trấn, vào quán
Parker s chén một bữa sáng ngon lành. Trong lúc ăn tôi nghe thấy chuông
đồng hồ điểm một giờ. Nhưng tôi tính phải mất ít nhất một thời gian dài
hơn cả lịch sử để thâm nhập vào tiến trình máy móc của nó.
Xong bữa sáng, tôi mua một điếu xì gà. Cô bán hàng nói loại ngon nhất giá
năm mươi xu, nên tôi lấy một điếu, châm lửa và đi ra phố. Tôi đứng đó rít
vài hơi, rồi tay cầm xì gà đi tới góc đường . Tôi đi qua ô cửa một hiệu đồng
hồ, nhưng nhìn lảng đi. Ở góc đường, hai thằng bé da đen đánh giày túm
lấy tôi, mỗi đứa một bên, the thé khàn khàn, như những con chim sáo. Tôi
cho một đứa điếu xì gà, còn đứa kia một đồng kền. Rồi chúng để tôi yên.
Đứa được điếu xì gà gạ bán nó cho đứa kia để lấy đồng kền.
Có một chiếc đồng hồ, cao tít trong nắng, và tôi nghĩ, khi người ta không
muốn làm một điều gì, tại sao cơ thể người ta lại cứ cố dụ dỗ để làm điều
đó, một cách vô thức. Tôi cảm thấy những thớ thịt trên gáy tôi, và rồi tôi
nghe thấy chiếc đồng hồ của tôi kêu tích tắc trong túi và trong chốc lát, tôi
đã gạt bỏ mọi âm thanh khác, chỉ giữ lại tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ
trong túi. Tôi trở lại phố, đến trước ô cửa. ông thợ đang cắm cúi trên bàn,
sau ô cửa. Đầu ông đã hói. Có một cái kính ở mắt ông – một cái ống kim
loại xoáy vào mặt. Tôi bước vào cửa hiệu.
Nơi đây đầy ắp những tiếng tích tắc, như dế kêu trong cỏ tháng Chín, và tôi
nghe thấy tiếng một chiếc đồng hồ lớn trên tường, ngay trên đầu tôi. ông
nhìn lên, con mắt lớn, mờ mờ và hấp háy sau kính. Tôi lấy chiếc đồng hồ
của tôi đưa cho ông.
"Tôi đánh vỡ nó".