cách hay nhất để giác ngộ. Có lẽ ngày đó Ngài đói hơn những ngày khác, hoặc
một kĩ niệm êm ái nào đó làm dao động lòng Ngài. Ngài thấy rằng tất cả sự khổ
hạnh đó không làm cho Ngài giác ngộ như Ngài mong muốn. “Cách tu khắc khổ
đó không đem lại cho ta sự giác ngộ siêu phàm, cái nhuệ trí của lương tâm – mà
chỉ cái này mới thực cao cả”. Trái lại là khác: nếu có nhờ cách đó mà tinh thần
thanh thoát được một chút ít thì lại mắc cái thói tự cao tự đại rằng mình đã chịu
nổi mọi nỗi khổ hạnh. Thế là Ngài bỏ lối tu đó, lại ngồi dưới bóng mát cây cổ
thụ. Ngài ngồi đó, tuyệt nhiên không nhúc nhích, quyết tâm bao giờ tự giác rồi
mới đi chỗ khác. Ngài trầm tư: cảnh sinh lão bệnh tử do đâu mà ra? Bỗng Ngài
cảm thấy cái cảnh sinh tử, tử sinh cứ nối tiếp nhau một cách bất tuyệt, có sinh
thì có tử có tử thì có sinh, mỗi lần tâm hồn yên ổn, vui vẻ thì lại ước ao những
vui khác rồi chịu những âu sầu khác, thất vọng khác, đau khổ khác. “Như vậy,
khi tinh thần ta đã thanh tĩnh, trong trẻo rồi, ta đã trầm tư về lẽ sinh rồi tử, tử rồi
sinh của muôn loài. Trong một lúc thiên thị, trong trẻo, siêu nhiên, ta thấy các
sinh vật, dù sang dù hèn, dù xấu dù đẹp, đều chết rồi tái sinh, chịu cái kiếp sung
sướng hay khổ tuỳ theo cái Karma [Nghiệp] của mình nghĩa là theo luật nhân
quả phổ biến này: làm điều thiện thì được thưởng, làm điều ác thì bị phạt trong
kiếp này hoặc trong kiếp sau, khi linh hồn đầu thai rồi.
Chính vì thấy cảnh liên tục sinh tử, tử sinh đó, Đức Phật đâm chán ngán về kiếp
người. Ngài bảo: sinh là nguồn gốc của mọi khổ não. Vậy mà loài người cứ phải
tái sinh hoài, có khác gì để làm cho biển khổ không lúc nào vơi không… Vì đâu
cái dòng “sinh sinh” đó không ngừng lại? Chỉ có luật Karma luôn luôn bắt
người ta phải đầu thai hoài để linh hồn chuộc tội trong những kiếp trước. Nếu có
một người nào sáng suốt sống công bằng, một mực nhẫn nhục, nhân từ với mọi
người, nếu lòng người đó không ràng buộc với những cái phù du nhất thời mà
chuyên chú vào những cái vĩnh cửu, thì có lẽ người đó hi vọng thoát được cảnh
tái sinh mà cái dòng suối khổ não sẽ cạn chăng? Nếu người ta có thể nén cái thị
dục vị kỉ mà rán chỉ làm điều thiện thì có lẽ vượt được cái bản ngã – nó là ảo
tưởng đầu tiên và tệ hại nhất của con người – và linh hồn có thể hoà đồng, hợp
nhất với cái đại ngã vô biên vô thức chăng? Gột sạch được những tư dục đó,
lòng người sẽ được bình tĩnh làm sao? Không gột sạch được thì làm sao bình