tĩnh? Ở dưới trần này không sao có hạnh phúc được, như bọn vô tín ngưỡng
thường nghĩ, mà kiếp sau cũng không sao có hạnh phúc được như biết bao tôn
giáo đã tuyên bố. Nói bậy hết ráo. Chỉ được bình tĩnh khi nào diệt được dục, lúc
đó linh hồn sẽ yên ổn, thanh thoát trong cảnh Niết Bàn.
Vậy là sau bảy năm trầm tư, Đức Phật tìm được nguyên nhân của đau khổ, Ngài
lại đất thánh Bénarès [Ba La Nai] và trong vườn hươu [lộc uyển] Sarnath bắt
đầu giảng thuyết Niết Bàn cho nhân loại.
*
IV. LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
Chân dung Đức Phật – Phương pháp của Ngài – Tứ diệu đế - Bát chính – Ngũ
giới – Đức Phật và Chúa Ki Tô – Thuyết bất khả tri và chủ trương phản đối
giáo hội – Chủ trương vô thần của Phật – Tâm lí học vô linh hồn – Ý nghĩa của
Niết Bàn
Cũng như mọi nhà truyền giáo thời đó, Đức Phật đã giảng đạo lý trong các cuộc
đàm thoại, trong các cuộc hội nghị, hoặc bằng những ngụ ngôn. Cũng như
Socrate và Chúa Ki Tô, không bao giờ Ngài có ý chép lại đạo của Ngài thành
sách, mà chỉ tóm tắt những ý chính thành những sutta. Theo những hồi kí của
những đệ tử đầu tiên của Ngài thì tính tình Ngài hiện rõ lời Ngài giảng dạy đó,
và Ngài là nhân vật đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ lưu lại cho ta một bức chân
dung rõ rệt: một người rất nhiều nghị lực, uy nghi và hào hùng, nhưng ngôn ngữ