né tránh, họ như loài lươn”. Đối với các tu sĩ đương thời, Ngài có giọng châm
chích nhất; Ngài cho họ là ngây thơ khi tin rằng lời trong các kinh Veda là lời
thiên khải, và Ngài làm cho đẳng cấp Bà La Môn tự cao tự đại phải phẫn nộ khi
Ngài thu nhận vào tăng hội bất kì người trong tập cấp nào. Ngài không chỉ trích
thẳng chế độ tự phân chia tập cấp nhưng bảo các đệ tử: “Các con nên đi thuyết
pháp khắp các xứ, tới đâu cũng bảo rằng giàu nghèo, sang hèn gì thì mọi người
cũng như nhau, và mọi tập cấp tan hoà trong tôn giáo của ta cũng như mọi con
sông tan vào biển cả”. Ngài không nhận những mantra (thánh ca) và những thần
chú, cũng không chấp nhận sự khổ hạnh, sự tụng niệm, cầu nguyện. Cứ từ từ,
dịu dàng, không tranh biện, Ngài thành lập một tôn giáo không tín điều, không
tăng lữ và tuyên bố rằng con đường giải thoát mở ra cho mọi người, cả những
người không theo đạo.
Đôi khi, vị thánh nổi danh nhất Ấn Độ, từ chủ trương Bất-khả-tri bước qua chủ
trương vô thần triệt để
. Ngài tuyên bố thẳng rằng không có thần linh, và có
khi nào nói tới Brama thì Ngài coi Brama như một thực thể, chứ không phải là
một khái niệm; Ngài không đả đảo tục cúng thần trong dân chúng, nhưng Ngài
mỉm cười khi nghĩ rằng người ta sao có thể dâng lời cầu nguyện lên một đấng
Bất-khả-tri: “Thật là điên khùng mới nghĩ rằng một người khác có thể làm cho
ta sung sướng hoặc cực khổ”, hạnh phúc và khổ chỉ là “quả”, mà động tác, thái
độ, dục vọng của ta mới là “nhân”. Không khi nào Phật doạ môn đồ rằng sẽ bị
thần linh trừng phạt nếu không ăn ở đúng đạo; Ngài không nhận có thiên đường,
có địa ngục. Ngài cảm thấy rất rõ ràng rằng con người đau và chết là do những
luật sinh hoá tự nhiên, chứ không phải do ý chí của một thần linh. Trong hỗn
hợp thiện và ác, có trật tự và vô trật tự đó, Ngài không tìm ra được một qui tắc
bất di bất dịch nào cả, không một trung tâm luân lí lâu bền cả; Ngài chỉ thấy
cuộc sống lên rồi xuống, tiến thoái như thuỷ triều, mà cái cứu cánh duy nhất có
tính cách siêu hình chỉ là sự biến dịch.
Thần học của Ngài là một thứ thần học vô thần, mà tâm lí học của Ngài cũng là
một thứ tâm lí học vô linh hồn: Ngài tuyệt nhiên không chấp nhận thuyết vô linh