là về nhà nằm nghỉ.
Tôi vội vàng ăn trưa rồi đi thăm một số người. Griselda thì đã đi London
bằng chuyến tàu giá rẻ ngày thứ năm. Đến khoảng bốn giờ kém mười lăm
tôi trở về, định bụng phác thảo bài Phúc âm ngày chủ nhật thì Mary nói ông
Redding đang chờ tôi trong văn phòng.
Tôi trông thấy anh ta đang bồn chồn đi đi lại lại. Mặt anh ta trắng bệch và
phờ phạc. Thấy tôi bước vào, anh ta đột ngột quay lại.
“Tôi đã nghĩ thấu đáo về chuyện ngài nói hôm qua. Đêm qua tôi thức
trắng suy nghĩ. Ngài nói đúng. Tôi nên đoạn tuyệt và ra đi.”
“Anh bạn thân mến,” tôi nói.
“Điều ngài nói về Anne hoàn toàn đúng. Tôi còn ở lại đây thì chỉ thêm rắc
rối cho nàng. Nàng — nàng quá tốt. Tôi biết mình cần phải ra đi. Tôi làm
khổ nàng như vậy là đủ rồi, cầu Chúa phù hộ cho tôi.”
“Ta nghĩ anh đã có quyết định duy nhất hợp lý,” tôi nói. “Ta biết đó là một
quyết định khó khăn, nhưng hãy tin ta đi, cuối cùng đó sẽ là điều tốt nhất.”
Tôi có thể thấy anh ta nghĩ rằng đó là điều dễ dàng nói ra bời một người
không biết mình đang nói gì!
“Ngài sẽ chăm sóc Anne chứ? Nàng cần có một người bạn.”
“Anh cứ yên chí, ta sẽ làm mọi việc hết sức mình.”
“Xin cám ơn ngài.” Anh ta siết chặt tay tôi. “Ngài là người tử tế, thưa
ngài. Tối nay tôi sẽ gặp nàng để chào tạm biệt, và có thể tôi sẽ thu xếp hành
lý để sáng mai lên đường. Kéo dài nỗi thống khổ thì chẳng ích gì. Cám ơn
ngài đã cho tôi mượn nhà kho làm chỗ vẽ tranh. Tôi rất tiếc đã không kịp
hoàn thành bức chân dung của phu nhân Clement.”
“Đừng bận tâm việc ấy, anh bạn thân mến. Tạm biệt, cầu Chúa phù hộ cho
anh.”
Khi anh ta ra về, tôi cố gắng viết tiếp bài Phúc âm nhưng chẳng được.
Đầu óc tôi cứ lẩn quẩn chuyện Lawrence và Anne Protheroe.
Lúc năm giờ rưỡi, tôi đang dùng một tách trà dở tệ, nguội và đắng ngắt,
thì chuông điện thoại reo. Có người báo tin ông Abott ở Lover Farm đang
hấp hối và mời tôi đến ngay.