“Vâng thưa ông. Như vậy tiện hơn cho công việc làm ăn của tôi.”
“Ông là đại lý của hãng xe hơi Ford?”
“Vâng, ông biết đấy…”
Một bài diễn văn liến thoắng được tung ra ngay sau đó. Đến
khúc cuối thì ba người đàn ông đã biết tuốt tuột về phương pháp kinh
doanh của Foscarelli, những chuyến đi của anh, thu nhập của anh, ý kiến
của anh về Hoa Kỳ mà so với nó thì phần lớn các quốc gia châu Âu đều là
không đáng kể. Anh ta không phải là loại người phải moi móc thông tin.
Thông tin tự nó tuôn ra ngoài.
Khuôn mặt tốt bụng, trẻ thơ cứ như hơn hớn vì hài lòng, và như một cử chỉ
cuối cùng để kết thúc bài hùng biện, anh lấy khăn tay ra lau trán.
“Cho nên các ông cũng thấy đó,” anh hồ hởi, “tôi làm ăn lớn, tôi rất hiện
đại, tôi am hiểu nghệ thuật bán hàng.”
“Vậy ra ông đã ở nước Mỹ, đi đi về về, trong suốt mười năm qua?”
“Vâng thưa ông. À! tôi còn nhớ cái ngày đầu tiên tôi lên tàu đi Mỹ, cũng xa
xưa lắm rồi. Mẹ tôi và em gái tôi…”
Poirot cắt gọn dòng lũ hồi tưởng này.
“Trong thời gian ở Mỹ có bao giờ ông gặp người vừa từ trần không?”
“Chưa từng. Nhưng tôi biết loại người như ông ta. Vâng, tôi biết chứ!” Anh
ta cắn ngón tay đầy biểu cảm. “Bề ngoài rất đáng kính, ăn mặc tươm tất,
nhưng tâm địa thì hỏng bét. Theo kinh nghiệm của tôi thì ông ta hẳn phải là
một tay đại bịp. Dù sao đó cũng là ý kiến của tôi.”