gì cho mình.” Nhưng cuộc tìm kiếm kỹ lưỡng cũng không cho ra được dấu
vết của chuỗi hạt bị mất.
Poirot tự lầm bầm “Chết tiệt!” và họ lại một lần nữa ra boong tàu.
Ca-bin của Linnet đã bị khóa lại sau khi đã chuyển xác đi, nhưng Race
vẫn mang chìa khóa theo bên người, ông mở cửa và hai người cùng bước
vào.
Mọi thứ trong phòng vẫn còn nguyên chỗ cũ như lúc sáng trừ thi thể của
cô gái đã được đưa đi.
Race thốt lên: “Poirot này, nếu anh muốn tìm thứ gì ở đây thì làm đi nhé.
Tôi biết mà, anh làm được dễ như bỡn.”
“Lần này ý anh không phải là chuỗi hạt ngọc trai đấy chứ, anh bạn của
tôi?’
“Đúng đấy. Thứ chính yếu của vụ giết người. Có thể có thứ gì đấy tôi đã
bỏ sót sáng nay.”
Poirot tiến hành tìm kiếm trong im lặng. Ông quỳ xuống sàn xem xét
từng li một. Ông kiểm tra giường ngủ. Ông đến xem xét tủ quần áo và bên
trong bàn trang điểm, ông lục soát kỹ thanh để quần áo và hai cái va-ly đắt
tiền. Ông khám xét va-ly đựng đồ đắt giá. Cuối cùng, viên thám tử chú ý
đến chỗ rửa mặt. Thứ duy nhất làm ông chú ý là hai lọ son móng tay dán
nhãn Nailex. Cuối cùng ông cầm nó lên và mang lại bàn trang điểm. Một
lọ, có nhãn là Nailex Rose, đã hết nhưng vẫn còn một hai giọt màu đỏ sẫm
đọng ở dưới cùng. Còn lọ kia, cùng cỡ nhưng có nhãn Nailex Cardinal, vẫn
còn khá đầy. Một cách cẩn thận, Poirot mở nắp cả hai lọ và ngửi chúng.
Một mùi nồng nặc lan tỏa khắp phòng, ông liền nhăn mặt và đậy nắp
chúng lại.
Race liền hỏi: “Có thu được gì không?”
Poirot liền đáp bằng một câu ngạn ngữ của Pháp: “Mật ngọt chết ruồi.”
Rồi ông thở dài tiếp: “Anh bạn ơi, chúng ta không may mắn rồi. Tên giết
người đó không phạm bất kì một sai lầm nào. Hắn ta không để lại một dấu
vết nào như nút áo, đầu lọc thuốc, tàn thuốc – hay trong trường hợp một
người phụ nữ, thì là chiếc khăn tay, vết son, hay kẹp tóc.”