* Dù trung căn, hạ căn vẫn có thể được lợi ích nơi Giáo, nhưng nếu
chẳng phải là bậc thượng thượng căn sẽ chẳng thể thông suốt Giáo để vận
dụng. Dẫu kẻ trung, hạ căn khó thể chuyên chí nơi Tông, nhưng bậc thượng
căn lại có thể đại triệt đại ngộ để hòng chứng nhập.
Trong Giáo, phải thông đạt hết thế pháp, Phật pháp, Sự, Lý, tánh, tướng,
lại còn phải đại khai viên giải (nhà Thiền gọi là đại triệt đại ngộ) thì mới có
thể làm đạo sư cho cả trời lẫn người.
Trong Tông, tham vỡ được một câu thoại đầu, thấy được bổn lai, bèn có
thể xiển dương tông phong “trực chỉ”. Nếu nhằm lúc Phật giáo đại hưng
khởi và là bậc thông đạt rộng rãi Phật pháp thì hãy nên tham cứu theo nhà
Thiền, giống như Tăng Diêu vẽ rồng, hễ điểm nhãn, rồng liền bay lên ngay
lập tức. Còn nhằm khi Phật pháp suy vi, kẻ túc căn kém cỏi hãy nên tu trì
theo Giáo. Ví như thợ vụng chế đồ mà bỏ hết dây mực thì rốt cuộc chẳng
làm gì được cả!
* Nay muốn báo ơn Phật, lợi lạc hữu tình thì nhà Thiền dù chuyên xiển
dương tông phong, vẫn phải dùng Giáo để ấn chứng; bên Giáo thì tận lực tu
trì quán hạnh, chẳng lạm bàn thiền ngữ. Ấy là vì tâm thông diệu đế, hễ gặp
duyên liền thành Tông. “Cây bách, que phân khô, quạ kêu, sẻ hót, nước
chảy, hoa trôi, ho khạc, phẩy tay, cười khẩy, giận chửi”, pháp nào pháp nấy
đều là Tông cả. Lẽ nào diệu pháp viên đốn do chính kim khẩu đức Như Lai
nói ra chẳng đáng kể là Tông ư? Cần gì phải mượn cái thanh chống cửa nhà
người để chống đỡ cửa nẻo nhà mình! Trong nhà vốn sẵn gỗ Tiên, gỗ Nam,
cớ sao vứt bỏ chẳng dùng? Hãy nên biết rằng: pháp không cao, hèn, chỉ là
nhất đạo thường nhiên, do căn cơ có sống hay chín nên nơi mỗi pháp được
lợi ích khác biệt!
---o0o---
5. Luận về Trì Chú
* Một pháp Trì Chú chỉ nên dùng làm Trợ Hạnh, chẳng nên lấy Trì Chú
làm Chánh Hạnh, coi Niệm Phật là pháp tu phụ! Dù pháp môn Trì Chú cũng
chẳng thể nghĩ bàn, nhưng phàm phu được vãng sanh hoàn toàn nhờ vào
lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, cũng như do đại thệ nguyện của A Di
Đà Phật cảm ứng đạo giao mà được Ngài tiếp dẫn. Nếu chẳng hiểu lẽ này,
dù pháp nào cũng đều chẳng thể nghĩ bàn, tu bất cứ pháp nào mà chẳng
được, nhưng vẫn trở thành “không Thiền, không Tịnh Độ, giường sắt và cột
đồng, vạn kiếp với muôn đời, không có ai nương dựa!”