Bởi thế biết rằng một pháp Trì Danh bao gồm vạn hạnh, toàn sự tức lý,
toàn vọng tức chân, nhân tột biển quả, quả thấu nguồn nhân. Thật đúng là
đường tắt để quay về gốc, là cửa ngõ trọng yếu để nhập đạo.
* Kinh A Di Đà có bản Yếu Giải do đại sư Ngẫu Ích trước tác, lý - sự
đều đạt tới mức cùng cực, là bản chú giải bậc nhất kể từ khi đức Phật nói ra
kinh này, diệu cực xác thực, dù cổ Phật tái hiện trong thế gian chú giải lại
kinh này cũng chẳng thể hay hơn được! Chớ nên xem thường, hãy tin nhận
chắc chắn.
Kinh Vô Lượng Thọ có bản sớ giải của pháp sư Huệ Viễn đời Tùy, giải
văn thích nghĩa thật là trong sáng, gãy gọn. Kinh Quán Vô Lượng Thọ có
bản [chú giải] Tứ Thiếp Sớ của hòa thượng Thiện Đạo. Ngài chỉ muốn khiến
cho ba căn cùng được lợi ích nên đa phần phát huy về mặt sự tướng. Sau
phần nói về Thượng Phẩm Thượng Sanh, Ngài phát huy sự hơn kém của hai
cách Chuyên Tu và Tạp Tu, khiến người đọc sanh lòng tin chân thành kiên
cố. Dù đức Thích Ca Mâu Ni Phật và chư Phật hiện thân bảo bỏ pháp môn
Tịnh Độ này để tu các pháp môn khác cũng chẳng thay đổi ý nguyện chút
nào; có thể nói sách ấy là kim chỉ nam cho hành giả Tịnh nghiệp.
Còn như cuốn Quán Kinh Diệu Tông Sao của tông Thiên Thai thì do đế
lý cực viên dung nên trung hạ căn chẳng được lợi ích, chẳng bằng sách Tứ
Thiếp Sớ lợi khắp ba căn, lợi căn hay độn căn đều được lợi ích cả!
* Cổ nhân muốn cả thế gian cùng tu nên lấy kinh A Di Đà làm nhật
khóa, bởi lẽ kinh này ngôn từ ngắn gọn, nghĩa lý phong phú, hạnh giản dị,
hiệu quả nhanh chóng. Bậc đại sĩ hoằng pháp chú sớ, ngợi khen kinh này từ
cổ đến nay chẳng đếm được hết. Trong số đó, tìm lấy bản rộng lớn, tinh vi
thì không bản nào bằng được tác phẩm Sớ Sao của ngài Liên Trì; còn thẳng
chóng, yếu diệu thì không chi bằng tác phẩm Yếu Giải của ngài Ngẫu Ích. U
Khê đại sư dùng pháp ấn Đế - Quán bất nhị của tông Thiên Thai để soạn
Lược Giải Viên Dung Trung Đạo Sao lý cao thâm nhưng sơ cơ vẫn lãnh hội
được, văn giảng minh bạch nhưng người tu lâu [đọc đến] vẫn khâm phục.
* Về Tịnh Độ thì chọn lấy sách như Di Đà Sớ Sao, ngôn từ giản dị
nhưng tinh vi, lý sâu xa nhưng dễ nhận, thật là cuốn sách trọng yếu trong
Tịnh Độ, là người hướng dẫn tốt cho kẻ sơ cơ.
* Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm dùng mười đại
nguyện vương để dẫn dắt quy hướng Tịnh Độ. Đọc phẩm này sẽ biết rằng
pháp Niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là chỗ quy kết sau cùng để
thành Phật trong một đời của kinh Hoa Nghiêm, thật là phương tiện tối thắng