Lễ Anzac. Các quán rượu đều đông nghẹt, những người đàn ông đã từng
đi lính, hay mất đi anh em vì chiến tranh, những người trở về từ Gallipoli
và từ Somme, vẫn chưa quên cú sốc bom đạn và hơi cay, mặc dù chuyện đã
mười năm. Ngày hai mươi lăm tháng Tư năm 1926. Người ta dấm dúi chơi
trò cá cược tung hai đồng xu ở gian sau quán. Trong ngày đó cảnh sát cũng
sẽ làm lơ. Mà thực ra cảnh sát cũng sẽ dự phần – cuộc chiến đó cũng là của
họ kia mà. Bia Emu Bitter cứ được rót mãi, người uống mỗi lúc một to
tiếng, những bài hát cũng trở nên thô thiển hơn. Người ta phải quên đi rất
nhiều thứ. Họ trở về để làm việc trên nông trại, ở bàn giấy, trên bục giảng,
cứ thế mà làm – khốn kiếp, cứ thế mà làm vì còn có cách nào khác. Họ
càng uống, càng thấy khó quên, càng muốn đập phá một thứ gì đó, một tay
nào đó, một chọi một, công bằng như hai người đàn ông đánh tay đôi với
nhau. Bọn Thổ khốn nạn. Bọn Hung khốn kiếp. Lũ chó đẻ chết tiệt.
Frank Roennfeldt hẳn là đối thủ xứng đáng. Người Đức duy nhất trong
thị trấn, mặc dầu thực ra anh ta là người Áo. Frank là thứ gần nhất với kẻ
thù mà họ có thể tìm được ở xứ này. Vậy là khi thấy Frank và Hannah rảo
bước trên đường trong buổi hoàng hôn, họ bắt đầu huýt gió bài
“Tipperary”
[2]
. Hannah thấy sợ hãi, bước chân va vấp. Frank ngay lập tức đỡ
lấy Grace, giật lấy chiếc áo len mỏng trên cánh tay vợ để che cho con. Hai
người bước đi vội vã, cúi đầu.
[2] Bài hát It’s a long way to Tipperary – một bài hát rất phổ biến trong
Thế Chiến thứ nhất, nói về nỗi nhớ thương quê nhà của người lính.
Những tay sâu rượu trong quán hẳn nghĩ trò vui đây rồi, ngay lập tức đổ
ra đường. Người từ những quán khác dọc theo đường chính cũng đổ ra, rồi
một tay nào đó quyết định bày trò giật lấy mũ của Frank và ngay lập tức ra
tay.