bằng gỗ gụ. Áo đầm, mũ đội đầu và cả những món tắm gội. Cháu ngoại của
Septimus Potts chỉ xứng với những thứ tốt nhất.
***
“Chồng chị đã về với Chúa.” Từ khi có lá thư Hannah như thêm một lần
để tang, rồi lại có thêm hy vọng mới. Chúa đã mang chồng cô đi, nhưng đã
cứu đứa con gái bé nhỏ. Cô khóc, không chỉ với sầu thương, mà còn với
nỗi tủi nhục khi nghĩ về cái ngày hôm đó.
Thị trấn xứ Mũi như luôn biết cách phủ màn che chuyện cũ. Trong một
cộng đồng nhỏ, ai cũng hiểu rằng đôi khi nghĩa vụ phải quên đi cũng quan
trọng như những lời hứa sẽ nhớ mãi. Trẻ con thị trấn lớn lên không hề biết
tới những chuyện nọ kia của cha chúng thời trẻ, không hề hay gì đến người
anh em ngoài giá thú đang sống cách đó chỉ năm mươi dặm, lấy họ của một
người khác. Suy cho cùng lịch sử cũng chỉ là những thứ đã được người ta
cùng đồng ý ghi nhớ.
Đời cứ như thế trôi đi – được che chắn bởi sự im lặng có khả năng làm
dịu đi những tủi nhục. Những người lính trở về, mang theo những câu
chuyện về nỗi sợ hãi của đồng đội trước khi lìa đời, nhưng chỉ nói rằng họ
đã hy sinh dũng cảm. Với thế giới bên ngoài, không có chuyện người lính
đi chơi gái, cư xử lỗ mãng hay chạy trốn khi kẻ thù tìm đến. Ra chiến
trường đã là một sự trừng phạt rồi. Khi người vợ phải giấy đi món tiền mới
vay, hay mớ dao kéo trong bếp trước tay chồng điên dại, họ làm vậy mà
không nói một lời, thậm chí còn không thừa nhận điều đó với cả chính
mình.
Với Hannah Roennfeldt, cô biết mình không thể chia sẻ với ai ký ức về
cái ngày đau khổ đó. “Bới lại chuyện cũ – để làm gì chứ?” người ta sẽ nói
vậy, nôn nóng muốn trở lại với hình ảnh cuộc sống văn minh chỉn chu ở
Partageuse. Nhưng Hannah thì nhớ mãi.