mặt trẻ thơ, nhưng anh không thốt lên lời nào, lập tức quay đi và lại đưa hai
tay ôm mặt.
- Nhưng có lẽ thế là phải. - Cha Paixi trầm ngâm thốt lên, - có lẽ cứ khóc
đi, Chúa Kito cho con những giọt nước mắt ấy. "Những giọt lệ thương cảm
của con chỉ làm cho tâm hồn thư thái và làm vui lòng người Thầy thân yêu
của con" - Cha thầm nhủ bỏ đi và trìu mến nghĩ đến Aliosa. Cha đi vội
vàng, vì cảm lấy rằng nhìn Aliosa, có lẽ Cha cũng khóc mất thôi. Thời gian
vẫn trôi, lễ tang và lễ cầu siêu vẫn tiếp diễn chỉn chu, Cha Paixi lại thay
Cha Ioxif bên quan tài và tiếp tục đọc Phúc Âm.
Nhưng gần ba giờ chiều đã xảy ra điều mà tôi đã nhắc đến ở cuối quyển
trước, điều không ai ngờ và trái ngược với hy vọng của mọi người, đến nỗi
mà, tôi xin nhắc lại, mãi đến bây giờ ở thành phố chúng tôi và khắp các
vùng lân cận người ta vẫn hết sức sôi nổi hồi tưởng lại tỉ mỉ câu chuyện
phù phiếm về sự việc đã diễn ra. Ở đây một lần nữa tôi xin thêm một ý kiến
riêng: tôi hầu như tởm lợm khi nhớ đến cái chuyện phù phiếm và quái gở
ấy, thực ra là một việc tầm phào và rất tự nhiên, và cố nhiên tôi muốn bỏ
qua không nhắc gì đến trong câu chuyện của tôi, nếu như nó không có ảnh
hưởng hết sức mạnh và rõ ràng đến tâm hồn và trái tim nhân vật chính, tuy
sau này mới trở thành nhân vật chính trong câu chuyện của tôi là Aliosa,
tạo nên một sự đột biến và đảo lộn trong tâm hồn anh, khiến cho lý trí của
anh bị xáo động lớn và trở nên vững vàng hẳn, vững vàng suốt đời và
hướng tới một mục đích nhất định.
Vậy xin kể chuyện ấy. Trời chưa sáng, thi hài người quá cố, đã khâm liệm
chu tất, được nhập quan, người ta đưa quan tài sang phòng thứ nhất, trước
đấy là phòng tiếp khách, khi ấy giữa những người ở bên quan tài xảy ra câu
hỏi: có cần mở các cửa sổ không? Nhưng câu hỏi này, do một người không
rõ như buột miệng thốt lên, không được ai trả lời và hầu như chẳng ai để ý,
trừ có một vài người nhẹ nhàng trách người đó, và trong thâm tâm họ cũng