– Cứ theo lệ cổ quy định cho người khổ tu: trong tuần chay, thứ hai, thứ
tư và thứ sáu nhịn ăn hẳn. Thứ ba, thứ năm thì các giáo đồ dùng bánh mì
trắng, nước quả với mật ong, quả ngấy móc hay bắp cải muối trộn bột yến
mạch. Thứ bảy thì canh bắp cải, miến đậu hột, cháo bột nấu bằng nước quả,
món nào cũng trộn dầu cây. Chủ nhật, thêm vào canh bắp cải còn cá khô và
cháo. Tuần lễ thánh, từ thứ hai cho đến chiều thứ bảy, sáu ngày chỉ có bánh
mì với muối, và rau thì ăn sống, lượng thức ăn cũng hạn chế thôi: không
phải ngày nào cũng được ăn, mà đúng theo lề luật về tuần đầu tiên. Ngày thứ
sáu trước lễ Phục sinh không ăn gì, ngày thứ bảy cũng nhịn cho đến ba giờ,
sau đó ăn ít bánh mì với nước và mỗi người uống một chén rượu nho. Ngày
thứ năm trước lễ Phục sinh thì chúng tôi ăn món ăn nấu chín không có bơ,
uống rượu nho và dùng món ăn khô, bởi vì Giáo nghị hội ở Laodicea
đã nói rõ như sau về ngày thứ năm trước lễ Phục sinh: “Không được bỏ nhịn
ăn ngày thứ năm tuần cuối cùng mà làm hỏng cả tuần ăn chay.” Ở chỗ chúng
tôi tình hình là như thế. Nhưng có thấm thía gì so với Cha, thưa đức Cha vĩ
đại, – đã mạnh dạn lên, thầy tu nói thêm, – bởi vì suốt cả năm, ngay cả ngày
lễ Phục sinh, Cha chỉ dùng bánh mì với nước lã, mà bánh mì chúng tôi ăn
trong hai ngày thì Cha dùng đủ cả tuần. Sự ăn kham ghê gớm như thế của
Cha thật là kỳ diệu.
– Thế còn nấm mũ trắng? – Cha Ferapont hỏi một cách đột ngột.
– Nấm mũ trắng ư? – Thầy tu ngạc nhiên hỏi lại.
– Chính thế. Tôi có thể bỏ hẳn bánh mì của họ, hoàn toàn không cần
đến nó, khi ấy tôi sẽ vào rừng, sống bằng nấm mũ trắng hay trái cây, còn
bọn họ ở đây không thể bỏ bánh mì được, vì vậy họ bị ràng buộc với quỷ.
Hiện giờ vẫn có những kẻ tà đạo nói rằng chẳng cần gì phải ăn chay kham
khổ như thế. Lời bàn của họ thật kiêu căng và nhơ nhớp.
– Ôi, đúng thế ạ. – Thầy tu thở dài.
– Thế ông đã thấy quỷ ở nhà bọn họ chưa? – Cha Ferapont hỏi.