– Ồ chưa... tôi chưa hề đọc, nhưng... đoạn về Tatyana, vì sao nàng
không đi với Onegin thì tôi có đọc rồi.
– Vì sao nàng không đi tới Onegin ấy à? Lẽ nào... cậu hiểu được điều
đó?
– Xin lỗi, có vẻ là anh coi tôi cũng như thằng Smurov. – Kolya cười
một cách cáu kỉnh. – Nhưng xin đừng tưởng tôi là nhà cách mạng ghê gớm
lắm đâu. Tôi rất hay bất đồng với ông Rakitin. Nếu tôi nói về Tatyana thì
hoàn toàn không có nghĩa là tôi ủng hộ việc giải phóng phụ nữ đầu. Tôi cho
rằng phụ nữ là kẻ phụ thuộc và phải vâng lời. Les femmes tricotent
Napoléon nói như vậy, – không hiểu vì sao Kolya nhếch mép cười, – ít ra về
điểm này tôi hoàn toàn tán thành quan điểm của tay vĩ nhân giả này. Chẳng
hạn tôi cũng cho rằng rời bỏ tổ quốc chạy sang Mỹ là hèn kém, còn hơn cả
hèn kém nữa kia, đó là ngu xuẩn, chạy sang Mỹ làm gì, khi ngay ở ta thôi
cũng có thể đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại? Chính là bây giờ. Cả một
hoạt động có hiệu quả. Tôi đã trả lời như vậy đấy.
– Trả lời như thế nào? Trả lời ai? Chẳng lẽ có người nào đã mời cậu
sang Mỹ chăng?
– Thú thật là người ta đã xui tôi, nhưng tôi bác bỏ. Đây tất nhiên là nói
giữa chúng ta với nhau thôi, anh Karamazov ạ, đừng hở ra với ai nhé. Chỉ
nói với anh thôi đấy. Tôi hoàn toàn không muốn rơi vào nanh vuốt bọn
Phòng Ba và tiếp thu những bài học bên cầu Xích Sắt
.
Mi sẽ nhớ ngôi nhà
Bên cầu Xích Sắt.
Anh nhớ câu ấy chứ? Tuyệt hay! Anh cười gì? Hay anh nghĩ rằng đấy
chỉ là tôi nói láo khoét? (Thế nếu như anh ta biết rằng trong tủ sách của ba,
ta chỉ có mỗi một số “Tiếng chuông”
, ngoài ra ta chưa hề đọc cái gì khác
thì sao nhỉ?) – Kolya thoáng nghĩ, trong lòng run rẩy.