thế mà thôi. Nhưng hễ người sáng tác ra nền tảng ấy dám cả gan tuyên bố
rằng các nền tảng mà ông đề nghị bây giờ và Cha Iosif vừa kể ra một phần là
nền tảng không gì lay chuyển được, tự phát và vĩnh cửu thì ông đã đi ngược
hẳn với giáo hội và định mệnh thiêng liêng, vĩnh hằng và bất di bất dịch của
nó. Tất cả bài viết của tôi, tóm tắt thật đủ, là như thế.
– Nghĩa là nói gọn lại, – Cha Paissy lại lên tiếng, nhấn rõ từng lời, –
theo một số chủ thuyết đã bộc lộ quá rõ trong thế kỷ 19 chúng ta, giáo hội
phải phát triển thành nhà nước, như từ một chủng loại thấp lên chủng loại
cao, để sau đó biến mất trong nhà nước, nhường chỗ cho khoa học, tinh thần
thời đại và nền văn minh. Nếu không muốn thế và chống cưỡng lại thì người
ta sẽ chỉ dành cho nó một góc nào đó trong nhà nước, mà còn giám sát nó
nữa. Hiện nay là như thế ở khắp mọi nơi trong các nước châu Âu thời nay.
Nhưng theo quan niệm và ước vọng của người Nga thì không phải giáo hội
phát triển thành nhà nước như từ kiểu hình thấp lên kiểu hình cao, mà cuối
cùng nhà nước sẽ xứng đáng để trở thành giáo hội và chỉ là giáo hội mà thôi.
Xin được như nguyện, Amen!
– Xin thú thực là Cha làm cho tôi phấn chấn lên đôi chút. – Miusov
nhếch mép cười, lại bắt chéo chân. – Theo như tôi hiểu thì đấy là sự thực
hiện một lý tưởng nào đó, xa vô tận, khi đấng Kitô trở lại thế gian. Ai mà
chẳng mong như thế. Một mơ ước không tưởng tuyệt đẹp: sẽ không còn
chiến tranh, các nhà ngoại giao, các nhà băng và vân vân. Đấy là một cái gì
thậm chí na ná như chủ nghĩa xã hội. Vậy mà tôi lại ngỡ rằng tất cả những
cái đó là thực và chẳng hạn bây giờ giáo hội sẽ xét xử các tội hình sự, sẽ
dùng các hình phạt đánh đòn, khổ sai và có lẽ cả tử hình.
– Nếu như bây giờ chỉ còn có tòa án giáo hội mà thôi thì giáo hội sẽ
không dùng hình phạt đày đi khổ sai hay tử hình. Tội phạm và quan điểm về
tội phạm lúc ấy chắc chắn sẽ phải thay đổi, cố nhiên là dần dần, không phải
là đột ngột và ngay lúc này, nhưng cũng nhanh thôi... – Ivan Fyodorovich
nói một cách điềm tĩnh, không chớp mắt.