trở thành người làm thuê cho các chủ xưởng máy bóc lột tàn nhẫn. Gorky
viết rằng trong những năm 70 – 80, “tất cả những gì mang tính thú vật đều
được chính phủ cổ vũ”, “tất cả những gì có tính người đều bị truy bức”.
Đồng thời, đây cùng là thời kỳ mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt, ý thức cách
mạng của quần chúng lao động phát triển sâu sắc thêm, phong trào phản đối
dấy lên trong nông dân, trí thức nhằm chống bóc lột, chống sự chuyên chế
của chế độ Sa hoàng và sự lộng quyền của cảnh sát. Nói cách khác là những
năm tình thế cách mạng.
Trong hoàn cảnh nóng bỏng ấy, trước sự rạn nứt của mọi nền móng xã
hội và bóng dáng của cuộc cách mạng xã hội đã hiện rõ, đau đớn nhìn thấy
những đau khổ tột cùng của nhân dân, Dostoevsky đã viết tác phẩm lớn nhất
của ông về tình trạng hỗn loạn xã hội khúc xạ qua sự tan rã gia đình, về sự
tìm kiếm “ý nghĩa của tồn tại” ở những con người đại diện cho các thế hệ
thuộc quá khứ, hiện tại và tương lai của nước Nga, về những đau khổ vô
lượng của nhân dân, về những con đường có thể có để đi đến hòa đồng xã
hội.
Trước khi bắt tay vào viết tác phẩm mà thật ra ông đã ấp ủ ý đồ từ
nhiều năm trước, Dostoevsky đã linh cảm thấy mình nắm bắt được một đề
tài xứng đáng với tầm vóc của mình. Ông viết: “Ít khi tôi gặp trường hợp nói
lên được những điều mới mẻ, đầy đủ, độc đáo như thế này.” Tiếp đó là quá
trình làm việc hết sức căng thẳng. Trong một lá thư đề ngày 23-7-1879, ông
viết: “Cuốn tiểu thuyết tôi đang viết (Anh em nhà Karamazov) hiện thời nuốt
hết mọi sức lực và thời giờ của tôi... Tôi viết không hối hả, không vội làm
cho xong việc, sửa đi sửa lại, gọt tỉa, tôi muốn tận tâm hoàn tất tác phẩm,
bởi vì chưa hề có tác phẩm nào mà tôi nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn
tác phẩm này.”
Thoạt nhìn Anh em nhà Karamazov là cuốn tiểu thuyết về đề tài gia
đình, về sự tan rã của “gia đình ngẫu hợp”, tức là loại gia đình ở đó không
có những mối quan hệ trong sạch, vững chắc, không có nền móng đạo lý và
tan rã trong hoàn cảnh của một xã hội đang băng hoại, thối nát. Sự chọn lựa