bị trừng phạt.” Một hôm nhân lễ sinh nhật của mình, người em tuyên bố
trước khách khứa: “Tôi mới là kẻ giết cha.” Người ta cho là anh ta điên.
Cuối cùng người anh được tha trở về, người em đi tù khổ sai thay anh, anh
ta cầu xin anh làm bố các con anh ta. Anh ta “đã được lên con đường chính
đạo”.
Ta trở lại tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov. Một ông bố, ba người
con chính thức và một đứa con hoang, kết quả của một lần đi lại gần như
cưỡng hiếp một người phụ nữ điên dại. Trừ người con trai thứ ba là Alexey,
cả gia đình sống trong sự căm thù lẫn nhau mà kết quả là vụ giết bố và một
người bị oan đi tù khổ sai. Trong tất cả các nhân vật của nhà Karamazov,
khó nói ai là nhân vật chính. Tất cả đều là nhân vật chính, đều có vai trò
quan trọng ngang nhau trong sự phát triển câu chuyện.
Trước hết là ông bố – Fyodor Pavlovich Karamazov – lão già thuộc
tầng lớp quý tộc nhỏ này kiêu ngạo về chút vốn liếng bọt bèo hời hợt của
văn hóa Tây phương, y cố thích nghi với chủ nghĩa tư bản hiện đại. Y là một
loại tài năng trong thủ đoạn kiếm tiền kiểu con buôn: điều này được tác giả
phơi bày qua những chi tiết cụ thể, qua lời bộc lộ của chính nhân vật. “Ta
căm ghét nước Nga như thế nào...” – y không thấy cần phải giấu giếm lòng
yêu nước của mình. Săn đuổi khoái lạc, đấy là mục đích tối cao của cả cuộc
đời y. Ngoài khoái lạc, y không thừa nhận một trách nhiệm đạo lý nào hết,
ngay cả đối với hai người vợ đã quá cố và các con y. Thậm chí y tìm thấy cả
khoái lạc trong tình cảnh sỉ nhục: y khoái trá khi làm thằng hề mua vui cho
bọn giàu có để kiếm miếng ăn, khi vợ bỏ theo trai, y thích thú với vai ông
chồng mọc sừng để được thiên hạ thông cảm. Đểu cáng ra mặt đi đôi với
đạo đức giả, dâm đãng tột độ và keo kiệt bủn xỉn, tàn bạo, đấy là bản chất
của y. Đây không còn là con người mà là con vật độc ác, bệnh tật, đáng kinh
tởm.
Tuy nhiên, mỗi nhân vật của Dostoevsky bao giờ cũng đầy mâu thuẫn,
mang trong mình những nét trái ngược chuyển biến lẫn nhau. Fyodor
Pavlovich trâng tráo và dâm đãng, nhưng là một cá tính không nhạt nhẽo