chút nào. Y là “thằng hề”, nhưng pha trò có duyên và giễu cợt rất đắt. Y là
nhà triết học trong loại của mình. Y biết tìm ra cơ sở triết lý cho cách sống
vô luân, vô liêm sỉ của mình. Y lý sự về địa ngục: “Ta nghĩ: nhất định quỷ sẽ
dùng móc lôi ta đi khi ta qua đời. Nhưng ta lại nghĩ: móc ư? Chúng lấy đâu
ra thứ đó? Làm bằng gì? Sắt ư? Rèn ở đâu? Chúng có một xưởng làm móc
chắc?” Y biến quan niệm tôn giáo về đời sống ở thế giới bên kia thành cái
cụ thể thô thiển nhất để khẳng định tính phi thực tế của nó và gạt bỏ. Không
có cả địa ngục lẫn thiên đường thì không có gì phải sợ. Cứ sống như ta
muốn.
Cái đinh của cốt truyện là sự xung đột giữa ông bố và người con trai cả
Mitya Karamazov vì tiền và tình. Ngoài sự tranh chấp giữa hai bố con về
quyền thừa kế tài sản của mẹ Mitya để lại, xen vào quan hệ tình địch của họ
còn có một món tiền cụ thể, nó là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ giết
người: số tiền ba nghìn rúp mà Mitya rất cần để gỡ danh dự, nhưng lại là số
tiền Fyodor Pavlovich dành tặng cho Grushenka “thiên thần Grushenka của
tôi”, “con gà con của tôi”, “nếu em đến”.
Mitya Karamazov là mẫu người tập trung những đam mê xác thịt dữ
dội, không gì kìm hãm nổi, về điểm này anh ta đích thị là dòng máu của bố.
“Thượng đế đem lại dục tình cho sâu bọ”, anh ta nghĩ vậy. Nhưng mặc dù
ngụp mình trong vũng bùn trụy lạc, anh ta vẫn khát vọng cái cao đẹp, ở anh
ta lý tưởng Madonna giao tranh với lý tưởng Sodom, “ở đây quỷ và Chúa
Trời giao tranh với nhau mà chiến trường là trái tim con người”, “ở đây hai
dải bờ gặp nhau, ở đây mọi mâu thuẫn cùng chung sống”.
Vì thế tâm hồn anh ta quằn quại trong những đam mê, nhưng bất thần ở
anh ta lại xuất hiện những ý nghĩ và hành động cao cả. Trong cảnh gặp gỡ
lần đầu tiên với Katerina Ivanovna tại nhà anh ta, Mitya đã có những tình
cảm và hành vi cao quý. Sự say mê, thậm chí tình yêu của anh ta với
Grushenka, là tình cảm trong trắng của tuổi trẻ. Trong cuộc tình này lẽ phải
thuộc về anh ta, chứ không phải ở phía con dê già kia.