trong tu xá từ sớm, theo sự ủy thác đặc biệt của bà Khokhlakova. Bà ta tốt
bụng, nhưng tính tình nhu nhược, bà không được phép vào tu xá, nên vừa
thức giấc và biết tin trưởng lão qua đời, bà tò mò không chịu nổi, liền phái
Rakitin đến tu xá để quan sát mọi việc và viết tường trình gửi ngay về cho
bà, cứ nửa giờ một lần, về tất cả mọi chuyện xảy ra. Bà coi Rakitin là một
thanh niên sùng đạo và giàu đức tin, biết đối xử khéo léo với tất cả mọi
người và với mỗi người, anh ta biết tỏ ra mình là người đúng như ý người ta
muốn, miễn là anh ta thấy rằng làm như thế có chút ít lợi lộc cho mình.
Hôm ấy đẹp trời, trong số người hành hương tới đây có nhiều người tụ
tập bên các nấm mồ ở tu xá, những nấm mồ này nhiều nhất là xung quanh
nhà thờ, ngoài ra còn rải rác khắp tu xá. Khi đi vòng quanh tu xá, Cha Paissy
bỗng nhớ tới Alyosha, đã lâu Cha không nhìn thấy anh, gần như từ đêm tới
giờ. Vừa nhớ đến thì Cha thấy anh ở một góc xa nhất trong tu xá, bên bức
tường xây, ngồi trên tấm bia mộ của một thầy tu mất tự đời nảo đời nào, nổi
tiếng về công đức tu hành. Anh ngồi quay lưng về tu xá, dường như ẩn sau
phần mộ. Đến sát tận nơi, Cha Paissy thấy Alyosha hai tay bưng mặt khóc
không thành tiếng, nhưng hết sức đau xót, toàn thân run lên theo từng cơn
nức nở. Cha Paissy đứng cạnh anh một lát.
– Thôi đi con thân yêu, thôi đi, anh bạn. – Cuối cùng cha nói, giọng đầy
tình cảm. – Con làm sao thế? Phải vui lên, đừng khóc. Hay con không biết
hôm nay là ngày trọng đại nhất trong đời Thầy? Bây giờ Thầy ở đâu, lúc
này, chỉ cần nhớ tới điều đó!
Alyosha toan ngước lên nhìn Cha, để lộ khuôn mặt khóc sưng húp,
nom như mặt trẻ thơ, nhưng anh không thốt lên lời nào, lập tức quay đi và
lại đưa hai tay ôm mặt.
– Nhưng có lẽ thế là phải, – Cha Paissy trầm ngâm thốt lên, – có lẽ cứ
khóc đi, Chúa Kitô cho con những giọt nước mắt ấy. “Những giọt lệ thương
cảm của con chỉ làm cho tâm hồn thư thái và làm vui lòng người Thầy thân
yêu của con” – Cha thầm nhủ, bỏ đi và trìu mến nghĩ đến Alyosha. Cha đi