cháy rụi, chỉ còn lổn nhổn những súc gỗ xà đã thành than. Ở cổng thôn, có
những phụ nữ đứng thành hàng trên đường, cả một dãy dài, người nào cũng
gầy rộc, hốc hác, mặt nâu sạm, đặc biệt có một người đứng ở rìa đường, gầy
giơ xương, tầm vóc cao, nom khoảng bốn mươi tuổi, nhưng có lẽ chỉ hai
mươi nhăm, mặt dài ngoằng, gầy võ, bế một đứa trẻ đang khóc, ngực hẳn là
lép kẹp, không một giọt sữa. Đứa trẻ khóc ngằn ngặt, giơ hai tay ra, đôi tay
trần trụi, bàn tay nắm lại, tái xám.
– Sao họ khóc? Vì sao họ khóc vậy nhỉ? – Mitya hỏi, lúc xe phóng như
bay qua chỗ họ.
– Đứa con đỏ, – người đánh xe trả lời chàng, – đứa nhóc khóc. Mitya
sửng sốt vì bác ta nói theo kiểu nông dân – “đứa con đỏ” chứ không nói là
“đứa bé”. Và chàng lấy làm thích vì người nông dân nói như vậy: nghe đáng
thương hơn.
– Nhưng vì sao nó khóc? – Mitya nài hỏi, như một chàng ngốc. – Tại
sao tay nó để trần, tại sao không mặc ấm cho nó?
– Nó rét cóng, quần áo nó giá băng, vì thế nó không đủ ấm.
– Nhưng tại sao lại thế? Tại sao? – Mitya ngờ nghệch vẫn chưa chịu
thôi.
– Họ nghèo, nhà bị cháy, không có bánh mì, họ đứng ở chỗ hỏa hoạn ăn
xin để cho người qua đường dễ động lòng thương.
– Không, không. – Mitya dường như vẫn chưa hiểu. – Bác nói đi: tại
sao những bà mẹ bị cháy nhà lại đứng đây, tại sao có những người nghèo, tại
sao có đứa trẻ nghèo, tại sao thảo nguyên trơ trụi, tại sao người ta không hôn
nhau, tại sao người ta không hát những bài ca vui sướng, tại sao họ đen
nhẻm đi vì tai họa độc địa, tại sao họ không cho em bé ăn?