– Tại sao vậy?
– Tâm thường, khuôn sáo...
– Cậu mười ba tuổi phải không? – Alyosha hỏi.
– Sắp mười bốn; hai tuần nữa thì mười bốn tuổi, chẳng mấy nữa. Thú
thật với anh là tôi có một nhược điểm, anh Karamazov ạ, nói điều đó với anh
trong buổi đầu làm quen là để anh thấy ngay tất cả bản chất của tôi: tôi rất
ghét người ta hỏi tuổi tôi, ghét cay ghét đắng... và sau hết, có kẻ đặt điều cho
tôi là tuần trước tôi chơi trò “kẻ cướp” với bọn học trò lớp dự bị. Chơi thì có
chơi thực, nhưng bảo tôi chơi cho tôi, chơi vì bản thân cảm thấy thích thú thì
dứt khoát là nói vu. Tôi có căn cứ để nghĩ rằng chuyện ấy đã đến tai anh,
nhưng tôi không chơi cho tôi, mà chơi cho bọn trẻ, bởi vì không có tôi,
chúng chẳng nghĩ ra được cái gì cả. Ở thành phố chúng ta, người ta cứ phao
ra những chuyện vô lý. Thành phố này có thói ngồi lê đôi mách, tôi cam
đoan với anh như vậy.
– Chơi vì chính mình thích thú thì có làm sao kia chứ?
– Chơi cho mình... anh có chơi trò làm ngựa bao giờ không?
– Cậu hãy suy luận thế này này, – Alyosha mỉm cười, – chẳng hạn
người lớn đến nhà hát, ở đấy người ta trình diễn những cuộc phiêu lưu của
mọi loại nhân vật, đôi khi có cả bọn cướp và chiến tranh, chẳng phải đấy
cũng là một loại trò chơi sao? Bọn trẻ chơi trò chiến tranh trong giờ ra chơi,
hay chơi trò làm cướp thì đấy cũng là nghệ thuật chớm phát sinh, là nhu cầu
nghệ thuật chớm phát sinh trong tâm hồn trẻ, và những trò chơi ấy đôi khi
còn hay hơn những cảnh trình diễn trên sân khấu, chỉ khác cái là người ta
đến nhà hát xem các diễn viên, còn đầy thì chính những người trẻ tuổi làm
diễn viên. Nhưng đấy là điều tự nhiên thôi.
– Anh nghĩ thế? Anh tin chắc như thế? – Kolya chăm chú nhìn
Alyosha. – Anh ạ, anh đã nói ra một ý nghĩ khá lạ lùng. Bây giờ về nhà, tôi