“cuỗm đồ trốn đi”. Tin đăng trên tờ “Tin đồn” của bà Khokhlakova nhan đề:
“Tin từ Skotoprigonyevsk (nghĩa là “Bãi thả gia súc” – hỡi ôi, thị trấn chúng
tôi có tên như vậy, tôi đã giấu bạn đọc cái tên ấy mãi đến bây giờ) về vụ án
Karamazov”. Bài ngắn thôi, không trực tiếp đả động gì đến bà Khokhlakova,
và nói chung chẳng nhắc đến tên ai cả. Người ta chỉ viết rằng kẻ phạm tội
sắp bị đem ra xử trong một phiên tòa rùm beng là một đại úy phục viên,
thuộc loại trâng tráo, lười biếng, chủ trương chế độ nông nô, hay tình ái lăng
nhăng và đặc biệt có ảnh hưởng với “một số vị phu nhân buồn chán trong
cảnh đơn chiếc”. Một trong những “bà quả phụ buồn tình” loại này đang hồi
xuân, tuy đã có cô con gái lớn, say anh chàng đến nỗi chỉ vài giờ trước vụ
phạm tội, đã định đưa gã ta ba ngàn rúp để gã cùng bà ta trốn đi tìm mỏ
vàng. Nhưng kẻ bất lương thà giết cha cướp lấy ba ngàn rúp của ông già –
mà gã tính rằng sẽ thoát được sự trừng phạt – còn hơn là đi Siberia cùng với
cái duyên tứ tuần của người đàn bà buồn chán nọ. Bài báo vui nhộn nọ, đúng
theo phép tắc, kết thúc bằng cách bày tỏ sự phẫn nộ cao quý về thói vô đạo
đức của kẻ giết cha và trước đây là chủ nông nô. Đọc xong một cách tò mò,
Alyosha gấp tờ báo lại và trả cho bà Khokhlakova.
– Không phải là nói về tôi hay sao? – Bà ta lại láu táu nói. – Thì chính
tôi gần một giờ trước đó đã đề nghị anh ta đi tìm mỏ vàng, vậy mà đây lại
viết “cái duyên tứ tuần”! Tôi mà lại tính chuyện như thế sao? Hắn cố ý viết
như thế! Đấng phán xét muôn đời sẽ tha thứ cho hắn bịa chuyện về “cái
duyên tứ tuần”, cũng như tôi tha thứ cho hắn, nhưng mà... anh có biết kẻ viết
là ai không? Anh bạn Rakitin của anh đấy.
– Có thể. – Alyosha đáp. – Tuy tôi không hề nghe ai nói về điều đó.
– Hắn, chính hắn, chứ không phải là “có thể”! Thì tôi đã đuổi cổ hắn ra
mà... Anh biết chuyện ấy không?
– Tôi biết bà yêu cầu hắn từ nay đừng bén mảng đến nhà bà nữa, nhưng
vì lý do gì thì... Ít ra tôi chưa hề được bà cho biết.