thang xuống. Đúng là không thể đoán trước ngày giờ lên cơn động kinh,
nhưng linh cảm thì bao giờ cũng có thể có.
– Thế mà mày thấy trước được cả ngày giờ?
– Thưa cậu, về bệnh động kinh của tôi thì tốt nhất là cậu cứ hỏi các bác
sĩ ở đây: bệnh thật hay giả, còn tôi chẳng có gì nói với cậu về chuyện này
nữa.
– Thế còn hầm nhà? Hầm nhà thì làm sao mày đoán trước được?
– Thì ra chính cái hầm ấy nó ám cậu! Tôi xuống hầm là vì tôi sợ; sợ
nhất là vắng cậu thì cả thế giới không có ai bênh vực tôi. Khi ấy tôi chui
xuống hầm nhà và nghĩ: “Nó sẽ đến bây giờ, sắp lên cơn rồi, có ngã
không?”, vì ý nghĩ ấy mà cổ họng tôi thắt lại... thế là tôi lộn cổ xuống. Tất cả
những cái đó và toàn bộ cuộc nói chuyện tối hôm trước với cậu ở cổng, việc
tôi đã nói với cậu về nỗi sợ của tôi và về hầm nhà, tôi đã kể chi tiết với bác
sĩ Herzenstube và viên dự thẩm Nikolai Parfenovich, tất cả đã được ghi biên
bản. Còn bác sĩ ở đây Varvinsky đã đặc biệt nhấn mạnh rằng chính ý nghĩ
làm nảy sinh ra điều đó, tức là chính sự nghi ngờ rằng “ta có ngã hay
không?” đã có tác động liền. Họ đã ghi như vậy, tức là điều đó nhất định
phải xảy ra, chỉ vì tôi sợ.
Nói đoạn, Smerdyakov dường như mệt mỏi, thở dài lấy hơi.
– Vậy ra mày đã khai như vậy? – Ivan Fyodorovich hỏi, hơi sững sờ.
Chàng muốn dọa nó là chàng sẽ nói rõ cuộc chuyện trò khi ấy giữa họ,
nhưng té ra Smerdyakov đã nói rõ hết rồi.
– Việc gì mà tôi sợ nhỉ? Cứ để cho họ ghi hết sự thật. – Smerdyakov
nói dứt khoát.
– Còn về cuộc nói chuyện của chúng ta ở gần cổng thì mày kể lại đúng
từng lời à?