khao chuyện tai tiếng. Đây là một tính cách kiêu hãnh, không chịu nổi sự
khinh miệt, đấy là loại người mà hễ ngờ ai khinh miệt mình là lập tức bừng
bừng giận dữ và khát khao trả miếng. Tất nhiên cũng có cả sự bẽn lẽn, cả
nỗi hổ thẹn bên trong về sự bẽn lẽn đó. Thành thử không lấy gì làm lạ rằng
cách nói năng của nàng không đều đặn – lúc thì giận dữ, lúc thì khinh miệt
và cố làm ra thô lỗ, lúc thì bỗng nhiên lộ rõ sự tự chỉ trích, tự buộc tội chân
tình. Đôi khi nàng nói như bay xuống vực thẳm: “Đằng nào cũng thế thôi,
muốn ra sao thì ra, tôi cũng cứ nói...” Về sự quen biết của nàng với Fyodor
Pavlovich thì nàng nói: “Chuyện vớ vẩn, tôi có lỗi gì nếu ông ta cứ quấn lấy
tôi?” Rồi lát sau nàng thêm: “Tất cả là tại tôi: tôi chế giễu cả hai người, cả
ông già và anh ấy, tôi đã đẩy họ đến nước ấy. Tại tôi tất cả.” Khi nói đến
Samsonov: “Chuyện ấy chẳng dính gì đến ai, – nàng cằn nhằn với vẻ thách
thức trâng tráo, – ông ấy là ân nhân của tôi, ông ấy tiếp nhận tôi lúc tôi là
đứa chân đất, khi những người ruột thịt đuổi tôi ra khỏi nhà.” Ông chánh án
rất lễ độ, nhắc nàng trả lời thẳng vào câu hỏi, đừng đi vào những chi tiết
thừa. Grushenka đỏ mặt, mắt nàng long lên.
Nàng không nhìn thấy phong bì tiền, chỉ nghe “tên bất lương” nói rằng
Fyodor Pavlovich có một phong bì để ba ngàn đồng. “Đấy chỉ là trò ngu
ngốc, tôi cười, và không đời nào tôi đến...”
– Chị nói đến “tên bất lương” nào vậy? – Biện lý hỏi.
– Đến thằng hầu Smerdyakov, chính nó đã giết ông chủ và hôm qua đã
tự treo cổ.
Cố nhiên người ta lập tức hỏi nàng: nàng có căn cứ gì để nhất quyết
buộc tội, nhưng nàng chẳng có căn cứ gì hết.
– Chính Dmitri Fyodorovich nói với tôi như vậy, xin hãy tin anh ấy.
Còn cái con kia làm hại anh ấy, thế đấy, mọi việc duyên do là tại nó, thế đấy.
– Toàn thần run lên vì căm thù, Grushenka nói thêm, giọng nói của nàng đầy
hằn học.