***
Có thể An Dao hiểu, cũng có thể cô không hiểu, nhưng dù cô hiểu hay
không, thì hôn nhân không phải là một cuộc đua, nếu đã lựa chọn rồi thì ít
nhất cũng phải giữ lại cho nhau một chút không gian cũng như tin tưởng,
anh kính tôi một thước tôi nhường anh một trượng, bất luận là nam hay nữ,
ra sức đàn áp, gây sự vô lý cũng chỉ khiến hôn nhân đi vào con đường cùng
mà thôi.
Sau trận cãi vã đó, An Dao chuyển về nhà mẹ đẻ ở một tuần. Hình
Khải không hề gọi điện cho cô, cho dù nhạc phụ nhạc mẫu ở bên cạnh ra
sức khuyên giải khích bác, Hình Khải vẫn án binh bất động.
Dỗ cô một lần, hai lần… thậm chí một trăm lần một nghìn lần cũng
chẳng sao, nhưng đừng quên rằng, sự chịu đựng của mỗi người là có giới
hạn, sau khi bình tĩnh lại họ đều sẽ nghĩ đến việc liệu cuộc hôn nhân này có
còn ý nghĩa để mà níu kéo hay không?
Vào một buổi chiều sau khi chuyện này qua đi n ngày.
Hình Dục nhận được điện thoại của mẹ An Dao. Bà mẹ An Dao thấy
con gái buồn bã âu sầu thì không tránh khỏi lo lắng, vì vậy bà hi vọng Hình
Dục có thể khuyên giải để Hình Khải sang đón An Dao về. Bố mẹ An Dao
thời gian đầu chỉ nghĩ Hình Khải chính là lựa chọn tốt nhất cho con gái họ,
nhưng lại quên mất rằng tuổi đời của cả hai đều còn rất trẻ. Họ càng quên
mất một điểm rằng, Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ mở cửa,
đám thanh niên nam nữ sẽ không chịu đựng nhẫn nhịn mà sống với nhau
cho tới hết cuộc đời giống những người ở thế hệ trước như họ.
“Ai gọi điện cho em thế?” Đặng Dương Minh ngồi trên ghế sô pha
hỏi. Mỗi lần anh đi là gần bốn tháng, đang đoán có lẽ nhà cửa đã bị bụi phủ
đầy, nhưng khi vừa mở cửa nhà thấy Hình Dục đang quét dọn, cảm giác đó,
thật sự ấm áp tới mức khiến anh không thốt nên lời.