chất không khác với những biện pháp mà quan niệm về buôn bán thời ấy
cho phép, thì có thể đã không gây ra những thiệt hại khác, nhưng hoàn cảnh
và đặc điểm của chính phủ nước này không cho phép họ dừng lại ở đấy.
Không thể canh giữ và bế quan toả cảng được đường biên giới trên biển kéo
dài hơn một trăm dặm, với rất nhiều cửa sông. Cũng không thể làm cho các
thương nhân và các nhà hàng hải sợ các biện pháp trừng phạt hay nghĩ đến
lòng tự trọng của Tây Ban Nha trong khi họ tìm kiếm những lợi ích mà họ
cho rằng mình có quyền được hưởng. Tây Ban Nha lại không đủ sức để
buộc văn phòng bộ trưởng Anh phải đưa ra những quy định về việc vận tải
trên biển của họ, hoặc chấm dứt những hành động lạm dụng những ưu tiên
ưu đãi được quy định trong hiệp ước, trái ngược với tình cảm của những nhà
buôn Anh. Như vậy là nhà nước yếu hơn, bị coi thường và quấy nhiễu đã
buộc phải sử dụng những phương tiện hoàn toàn phi pháp. Tàu chiến và tàu
tuần dương được lệnh hoặc ít nhất là được phép ngăn chặn và khám xét tàu
Anh ngay ngoài khơi, bên ngoài khu vực thuộc quyền tài phán của Tây Ban
Nha. Người Tây Ban Nha vốn có tính kiêu ngạo, lại không bị chính phủ
trung ương vốn đã yếu kém kìm hãm, nên nhiều vụ lục soát, cả hợp pháp lẫn
bất hợp pháp, đã trở thành những vụ lăng mạ, thậm chí là bạo hành. Những
lí do không khác biệt lắm với những lí do vừa nêu cũng đã gây ra những kết
quả tương tự trong quan hệ của các quan chức Tây Ban Nha với Mỹ và các
tàu buôn Mỹ hiện nay. Câu chuyện về những hành động bạo lực đã lan đến
Anh, cùng với những thiệt hại do bị tịch thu và cản trở trong việc buôn bán
dĩ nhiên đã làm dân chúng xôn xao. Năm 1757, các thương nhân ở Tây Ấn
đã gửi thư thỉnh nguyện đến Viện thứ dân, trong đó có đoạn:
“Trong suốt nhiều năm qua, thuyền bè của họ không những thường xuyên bị ngăn chặn và
khám xét mà còn bị tàu Tây Ban Nha – cải tiến thành tàu tuần dương, viện cớ là để bảo vệ bờ
biển – dùng vũ lực bắt giữ một cách tuỳ tiện ngay ngoài khơi. Chỉ huy và thuỷ thủ đoàn bị đối
xử vô nhân đạo, thuyền của họ bị đưa vào một cảng nào đó của Tây Ban Nha và bị tịch thu
cùng với hàng hoá, vi phạm trắng trợn các hiệp định đã được hai vương triều kí kết. Những lời
phản đối của các vị đại sứ của hoàng thượng ở Madrid đã bị bỏ ngoài tai, và những sự nhục mạ,
cướp bóc nói trên chằng mấy chốc sẽ phá huỷ hoàn toàn công việc kinh doanh của họ.”