Trong năm 1740 còn xảy ra hai sự kiện dẫn tới cuộc chiến tranh trên
toàn cõi châu Âu, cuộc chiến tranh, có thể nói, đã len vào cuộc chiến giữa
Anh và Tây Ban Nha. Tháng 5 năm đó, Frederick Đại đế trở thành vua Phổ,
còn tháng 10 thì Hoàng đế Charles VI của nước Áo – từng là người tranh
chấp ngai vàng Tây Ban Nha – băng hà. Do không có con trai nối dõi, ngài
đã để lại di chúc giao quyền cai trị vương quốc cho người con gái đầu đã nổi
danh tên là Maria Theresa. Nhà vua đã tiến hành những cuộc vận động ngoại
giao nhằm bảo đảm quyền kế vị cho bà này trong suốt nhiều năm. Các nước
châu Âu đã đứng ra bảo lãnh cho quyền kế vị của công chúa, nhưng vị thế
quá yếu của bà đã kích thích tham vọng của những người cầm quyền khác.
Toàn quyền Bavaria tuyên bố có toàn quyền thừa kế, Pháp ủng hộ ông này.
Trong khi đó vua Phổ đòi và chiếm tỉnh Silesia. Các quốc gia khác, cả lớn
lẫn nhỏ, gắn bó số phận của mình với một trong hai bên. Anh bị rắc rối vì
ông vua của nước này còn là Toàn quyền vùng Hanover, và vì vậy đã vội vã
nhận trách nhiệm trung lập có lợi cho các khu tự trị, mặc dù về mặt tình cảm
Anh nghiêng hẳn về phía Áo. Trong khi đó, sự thất bại của cuộc viễn chinh
nhằm chống lại các thuộc địa của Tây Ban Nha ở Mỹ và sự thiệt hại nghiêm
trọng của ngành thương mại Anh đã làm gia tăng tiếng nói chống lại
Walpole, ông này từ chức vào đầu năm 1742. Dưới sự lãnh đạo của vị bộ
trưởng mới, Anh công khai trở thành đồng minh của Áo; còn quốc hội thì
không chỉ bỏ phiếu thông qua khoản tài trợ cho nữ hoàng mà còn đưa một
đội quân trợ chiến đến khu vực Necherlands thuộc Áo. Cũng trong thời gian
đó, Hà Lan – do ảnh hưởng của Anh và tương tự Anh, cho rằng mình có
nghĩa vụ thực hiện việc ủng hộ quyền thừa kế của nữ hoàng Maria Theresa –
cũng biểu quyết thông qua một khoản tài trợ. Ở đây ta cũng thấy quan điểm
kì quặc về quan hệ quốc tế, như đã được nói tới ở trên. Như vậy là cả hai
nước này cùng tham gia vào cuộc chiến tranh với Pháp, nhưng họ chỉ tham
gia với vai trò trợ lực cho nữ hoàng chứ không phải là nhân vật chính. Ngoài
các đơn vị được gửi ra mặt trận, hai nước này vẫn giữ quan hệ hoà hảo với
Pháp. Tình trạng nước đôi như thế cuối cùng chỉ có thể dẫn đến một kết quả
duy nhất mà thôi. Trên biển, Pháp cũng đã giữ thái độ trợ giúp tương tự đối
với Tây Ban Nha, theo tinh thần của hiệp ước phòng thủ giữa hai vương