Một đơn vị viễn chinh được gửi đi, trong khi về danh nghĩa hoà bình
vẫn còn. Ngày 17 tháng 5, ba ngày trước khi diễn ra trận đánh của Byng,
Anh tuyên chiến, Pháp đáp trả vào ngày 20 tháng 6. Ngày 28 cảng Mahon
đầu hàng và Minorca chuyển sang tay Pháp.
Bản chất của những rắc rối giữa hai nước và bối cảnh nơi chúng diễn ra
cho thấy rõ chúng ta đang đứng trước một cuộc chiến tranh trên biển, được
minh hoạ bằng những trận hải chiến lớn và bên cạnh đó là những thay đổi to
lớn, trong các khu vực thuộc địa và nhượng địa ở nước ngoài của cả hai siêu
cường. Trong hai nước, chỉ có Anh là nhận thức được bản chất vấn đề; Pháp
một lần nữa quay lưng lại với biển, lí do sẽ được trình bày một cách khái
quát. Hạm đội của Pháp ít khi xuất hiện, và sau khi đánh mất quyền kiểm
soát mặt biển, nước này đã dâng cho kẻ thù hết thuộc địa này đến thuộc địa
khác và cùng với đó là tất cả hi vọng của nó ở Ấn Độ. Trong giai đoạn sau
của cuộc chiến này, Pháp lôi kéo được Tây Ban Nha tham gia liên minh,
nhưng điều đó chỉ kéo theo những sự tàn phá các cơ sở ở nước ngoài của
chính Tây Ban Nha mà thôi. Mặt khác, Anh – được biển cả bảo vệ và nuôi
dưỡng – giành được hết chiến thắng này đến chiến thắng khác trên mặt biển.
Do chính quốc vẫn an toàn và thịnh vượng, Anh đã dùng tiền trợ giúp kẻ thù
của Pháp. Cuối Cuộc chiến tranh Bảy năm, vương quốc Anh trở thành đế
chế Anh.
Không thể nói một cách chắc chắn rằng không cần đồng minh Pháp vẫn
có thể cạnh tranh được trên biển với Anh. Năm 1756, hải quân Pháp có 63
tàu chiến, trong đó 45 chiếc đang trong tình trạng tốt nhưng thiếu trang thiết
bị và pháo binh, Tây Ban Nha có bốn 46 tàu chiến; nhưng từ những hoạt
động trước và sau đó, người ta có đủ lí do để nghi ngờ rằng chất lượng của
nó không tương xứng với số lượng. Trong khi đó, Anh có 130 tàu chiến; bốn
năm sau nước này vẫn còn 120 chiếc đang hoạt động. Đương nhiên là khi
một nước đã để cho mình rơi vào tình trạng yếu kém hơn hẳn kẻ thù – trên
bộ hay dưới nước thì cũng thế – như Pháp hiện nay, thì không thể hi vọng có
thể chiến thắng.