lại có nhiều điều kiện để cùng hưởng lợi. Các hải cảng của Bồ Đào Nha là
nơi che chở cũng như cung cấp hàng tiếp tế cho hạm đội Anh, còn hạm đội
Anh thì lại bảo vệ nền thương mại nhiều lợi nhuận của Bồ Đào Nha với
Brazil. Mối thù giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha buộc Bồ Đào Nha phải có
đồng minh mạnh nhưng lại ở xa. Về mặt này, không nước nào thuận lợi hơn
là Anh, đến lượt mình, Anh có thể và bao giờ cũng thu được lợi thế to lớn
nhờ tình hữu nghị với Bồ Đào Nha trong các cuộc chiến tranh với các nước
Nam Âu”.
Đó là quan điểm của Anh đối với liên minh này, một số người coi đây
là liên minh giữa sư tử và cừu non. Gọi một nước có hạm đội mạnh như Anh
là “ở xa” một nước nhỏ bé nằm bên bờ biển như Bồ Đào Nha là vô lí. Anh
có mặt – ngày đó lại càng như thế – ở bất cứ nơi nào mà hạm đội của họ có
thể tới. Quan điểm ngược lại, cũng cho thấy giá trị tương tự của liên minh,
được thể hiện một cách rõ ràng trong bị vong lục – tên dân sự gọi là lời mời
– mà hoàng gia Pháp và Tây Ban Nha đòi Bồ Đào Nha phải tuyên chiến với
Anh.
Cơ sở của bị vong lục vừa nói là lợi ích không đáng kể mà Bồ Đào Nha
nhận được từ liên minh với Anh so với sự coi thường vị thế trung lập của
nước này, đã được nói tới bên trên. Nhà vua Bồ Đào Nha không chịu ra khỏi
liên minh vì cho rằng liên minh đã có từ lâu và chỉ có tính chất phòng thủ.
Hai vương triều trả lời như sau:
“Trên thực tế, do vị trí các thuộc địa của Bồ Đào Nha và bản chất sức mạnh của Anh, liên
minh phòng thủ này thực ra là liên minh tấn công. Các hải đoàn của Anh không thể nằm trên
mặt biển suốt cả bốn mùa, cũng như không thể tiến hành tuần tra các bờ biển trọng yếu của
Pháp và Tây Ban Nha nhằm chặn đứng con đường giao thương của hai nước này, nếu không có
các hải cảng và sự giúp đỡ của Bồ Đào Nha. Và những cư dân hải đảo (ý nói Anh – ND) không
thể sỉ nhục được toàn bộ châu Âu quen nghề hàng hải, nếu tất cả tài sản của Bồ Đào Nha không
qua tay họ, số tài sản này đã cung cấp cho họ phương tiện tiến hành chiến tranh và làm cho liên
minh này thực chất và đúng là liên minh tấn công.”