Sau hai năm, tình hình chiến sự diễn ra như sau: Hannibal đổ bộ vào
Italy từ phía Bắc, và sau một loạt chiến thắng ông tiến xuống phía Nam và
đóng ở miền Nam Italy, lấy lương thực của Italy cung cấp cho đạo quân của
mình – làm cho dân chúng xa lánh và rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
khi tiếp xúc với hệ thống chính trị và quân sự mà La Mã đã thiết lập ở đây.
Vì vậy, ông phải lập tức thiết lập cho bằng được những con đường cung cấp
quân trang quân dụng và lực lượng tăng viện với những căn cứ đáng tin cậy,
ngôn ngữ hiện đại gọi đó là “những phương tiện giao thương”
[Communications]. Có ba khu vực có thể gọi là những căn cứ như thế, đó là
Carthage, Macedonia và Tây Ban Nha. Hai khu vực đầu chỉ có thể đi bằng
đường biển. Từ Tây Ban Nha, nơi ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất,
có thể đi bằng cả đường bộ lẫn đường biển, đó là nói nếu quân địch không
cản trở, nhưng đường biển thì vừa ngắn vừa dễ dàng hơn.
Trong những năm đầu tiên, La Mã nhờ lực lượng hải quân, giữ quyền
kiểm soát hoàn toàn vịnh nằm giữa Italy, bán đảo Sicily và Tây Ban Nha, có
tên là biển Tyrrhenian và Sardinian. Bờ biển từ Ebro đến Tiber cũng có quan
hệ hữu nghị đối với La Mã. Nhưng sang năm thứ tư, sau trận đánh ở
Cannae, Syracuse ra khỏi liên minh với La Mã, bạo loạn lan khắp vùng
Sicily, còn Macedonia thì tham gia liên minh tấn công của Hannibal. Những
thay đổi như thế đòi hỏi hải quân La Mã phải gia tăng hoạt động và tạo áp
lực lên lực lượng của nó. Hải quân đã hành động như thế nào và sau đó đã
tạo được ảnh hưởng gì đối với cuộc đấu tranh?
Có những chứng cứ ghi nhận rõ ràng rằng La Ma bao giờ cũng kiểm
soát được vùng biển Tyrrhenian, vì vậy, hạm đội của họ có thể đi từ Italy
đến Tây Ban Nha mà không gặp trở ngại gì. La Ma cũng kiểm soát toàn bộ
bờ biển Tây Ban Nha. Đó là nói trước khi Scipio-con quyết định phá huỷ
hạm đội. Ở biển Adriatic cũng có một đội tàu và một căn cứ hải quân được
xây dựng ở Brindisi để canh phòng Macedonia, các đơn vị này thực hiện
nhiệm vụ xuất sắc đến mức không một người lính Hi Lạp nào có thể đặt
chân lên được đất Italy. “Những hạn chế của hạm đội hải quân”, Mommsen