đạn và thuốc súng cho một trận đánh như thế nữa mà thôi. Thế mà chỉ 3
tháng sau ông đã có thể viết bản báo cáo như trên, nói rằng ông có thể ở trên
biển suốt sáu tháng mà không cần tiếp tế. Kết quả này là do một mình ông –
do sự tự tin, có thể nói chắc chắn là do tâm hồn cao cả của ông. Ở Paris,
người ta đã không nghĩ như thế, ngược lại, người ta nghĩ rằng hải đoàn sẽ
phải quay về Isle of France để sửa chữa. Không ai nghĩ rằng có thể bảo đảm
được những điều kiện khả dĩ khi ở cạnh bờ biển của kẻ thù, lại xa căn cứ gần
nhất đến như thế. Nhưng Suffren lại nghĩ khác, với nhận thức đúng đắn và
hiểu biết sâu sắc từ khía cạnh quân sự giá trị công việc mình làm, ông cho
rằng thành công của chiến dịch ở Ấn Độ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát
mặt biển, và như vậy có nghĩa là phụ thuộc vào sự có mặt thường xuyên của
hải đoàn của ông ở khu vực này. Ông không chùn bước, sẵn sàng làm những
điều mà người khác bao giờ cũng cho là bất khả thi. Muốn đánh giá đúng sự
vững vàng của ông, sự vững vàng mang dấu ấn của một thiên tài, thì phải
xem xét trong bối cảnh của thời đại ông cũng như bối cảnh của các thế hệ
trước đó, tức là bối cảnh mà ông đã lớn lên trong đó.
Pierre André de Suffren sinh ngày 17 tháng 7 năm 1729, và đã từng
phục vụ trong các cuộc chiến tranh những năm 1739 và 1756. Lần đầu tiên
ông thấy đạn bay trên đầu là vào ngày 22 tháng 2 năm 1744, đấy là trận
đánh của Matthews ở bên ngoài Toulon. Ông là người cùng thời với
D’Estaing, De Guichen và De Grasse, ông đã sống trong giai đoạn trước
Cách mạng Pháp, tức là trước khi cuộc nổi dậy của nhân dân cho người ta
thấy rằng nhiều khi bất khả thi lại là khả thi, trước khi Napoleon và Nelson
chế nhạo ngay chính từ này. Vì vậy, thái độ cũng như hành động của ông lúc
đó còn có thêm một phẩm chất nữa: tính độc đáo, nhưng bản tính cao
thượng của ông còn có khả năng vượt qua những thử thách cao hơn. Tin
tưởng chắc chắn vào sự cần thiết phải giữ hải đoàn của mình tại chỗ đứng
chân của nó, ông không chỉ coi thường những lời bàn tán của các cấp sĩ
quan dưới quyền mà còn bất tuân cả mệnh lệnh của triều đình. Khi tới
Batacalo, ông nhận được thông báo là phải quay trở lại Isle of France.
Nhưng thay vì coi đây là giải thoát được gánh nặng quá lớn thì ông lại
không tuân theo. Trong bức thư trả lời, ông đã trình bày các lí do và khẳng