ANH LÀ AI? - Trang 65

Ở đây cũng như ở xã, những đồng chí có thẩm quyền đã tạo cho Võ Trần mọi sự thuận lợi. Anh đã gặp được
một số sĩ quan Sài Gòn cũ có mặt tại đây có liên quan tới nhà tù Côn Đảo và nhà giam Chí Hòa trong hai năm
1958 – 1959 là hai năm Lê Xuân Tín bị tù đày. Nhưng, chỉ có một hai người nhận ra Lê Xuân Tín. Họ xác nhận
đây đúng là một “cán binh cộng sản” đã bị kết án tù và bị đày ra Côn Đảo. Người cán binh này cho tới nay vẫn
còn để đọng lại trong trí nhớ nhọ một đặc điểm: hiền lành và rất khỏe. Chỉ có vậy thôi. Không một ai nhớ được gì
hơn.
Không nản lòng, Võ Trần quay trở về thành phố, xin gặp ban tổ chức thành ủy, ban dân chính ủy ban. Anh đã
tìm được một người, đúng là chỉ còn có một người cũng bị tù ở Côn Đảo trong hai năm 1958 – 1959 nghĩa là
cùng một thời gian với ông Ba. Còn những người khác thì hoặc tù trước, hoặc tù sau và số đông đã chết, hoặc vì
bệnh hoặc vì địch thủ tiêu…
Đó là cụ Phan Minh Trường đã 70 tuổi về nghỉ từ lâu. Tuổi đã khá cao và tuy sức đã kém nhưng trí nhớ cụ còn
khá tốt. Cụ đã nhận ra tấm ảnh mà Võ Trần đưa cụ coi đúng là Lê Xuân Tín, cán bộ của ta bị tù ở Côn Đảo cùng
thời với cụ. Có điều là Tín được mãn hạn trước cụ một vài tháng và thời kỳ ở Côn Đảo ông Tín ở lao 1 còn cụ ở
lao 2. Cụ xác nhận Tín rất hiền lành và rất khỏe. Cụ cũng cho Võ Trần biết cụ không nghe thấy điều tiếng gì về
Ba Tín, mặc dù ông Ba được tên Cò Sinh nhiều buổi, có khi liên tục hàng tháng bắt về nhà nó làm vườn và phục
dịch. Theo lời cụ, đó là tình hình khá phổ biến ở đảo, bọn cai ngục vẫn thường lợi dụng anh em tù trẻ, khỏe, bắt
về làm công không. Vì thế không phải chỉ có ông Tín mà rất nhiều anh em tù trẻ khác cũng bị bọn cai ngục lợi
dụng như vậy. Theo cụ, nếu có “chuyện” gì thì chết ngay với anh chị em trong tù rồi. Chi bộ nhà tù có “tai mắt”
ở khắp nơi. Cụ vẫn còn nhớ khi ra tù, ông Tín còn gặp chào cụ và khoe là chi bộ đã cấp chứng nhận bí mật cho
mình về tiếp tục sinh hoạt Đảng…
Cũng không có gì mới. Võ Trần đã khá tiếc công lao lặn lội đi tìm cụ. Tuy nhiên, lúc chia tay cụ đã nói thêm
một điều mà hẳn cụ cho là thường tình, hoặc không có ý nghĩa gì hết. Cụ cho biết: hai tháng sau khi ông Tín rời
Côn Đảo, đên lượt cụ cũng mãn hạn và được đưa về Sài Gòn. Ở đó cụ bị tạm giam ở Chí Hòa một tuần. Mọi tù
nhân khác cũng thế. Trong một tuần đó, một số tên quan chức của Tòa án ngụy đến hỏi lại một cách chiếu lệ -
rằng còn dám chống đối chánh quyền nữa không?... Tất nhiên ai ai cũng phải đáp là không. Sau đó, làm tờ cam
đoan, rồi làm thủ tục giấy tờ phóng thích. Tất cả chỉ trong vòng độ hai tuần. Nhưng dịp đó, một tên lính gác đã
bảo cụ: cụ được làm giấy đúng thời hạn thế là may. Còn có người đã phải kéo dài tới một vài tháng. Hỏi là ai, tên
lính gác nói đó là ông Tín. Cụ tỏ ra rất ái ngại cho anh bạn trẻ ấy…
Võ Trần lại đi tìm hồ sơ nhân sự cụ của bộ máy ngụy quân ngụy quyền ở Sài Gòn. Cuối cùng, anh đã tìm được
một người hạ sĩ làm ở văn phòng khám Chí Hòa trong những năm đó. Người này giải ngũ từ 1961, bây giờ trên
60 tuổi, cả gia đình cùng làm nghề dệt vải đã mấy chục năm tại ngã tư Bảy Hiền. Vì chỉ là một hạ sĩ văn phòng
và giải ngũ từ lâu, người này không phải đi học tập cải tạo. Tuy nhiên, khi Võ Trần đột ngột tới và hỏi lại chuyện
cũ thời Chí Hòa, người đó không khỏi hoảng hốt…
Sau khi gặp người hạ sĩ này Võ Trần quay trở về, đọc kỹ lại bản tự chuyện của ông Ba. Bản tự chuyện viết: “…
Từ nhà tù Côn Đảo, bọn địch đưa tôi về Sài Gòn một tuần, làm thủ tục rồi trả lại tự do cho tôi. Tôi xin trở về quê
cũ tạm náu mình để bọn địch khỏi nghi ngờ, đồng thời đi tìm lại liên lạc với Đảng. Nhưng không tìm được. Vùng
quê tôi đã thành vùng trắng vì địch càn quét, o ép vô cùng ác liệt. Tôi phải bật đi. Tôi tìm đến thành phố…”
Võ Trần báo cáo xong mọi chuyện, Mẫn rất mừng:
- Được lắm! Võ Sĩ ạ, vậy theo anh liệu có điều gì đáng chú ý không?
- Có! Ít nhất cũng đã có một câu hỏi nổi lên: Ba Tín “bị” lưu lại khám Chí Hòa khá lâu như vậy để làm gì? Và
tại sao?
- Cho phép tôi thử phản đề lại nhé! Lâu hay chóng cũng chưa có thể coi là một điều gì bất bình thường. Vì lỡ
Ba Tín đã gặp phải tên quan liêu nào đó, vợ hắn ốm, con hắn sài, không làm ngày được mọi thủ tục: cho xuất
ngục như mọi trường hợp khác, thì sao? Như vậy vấn đề anh đặt ra chưa thật vững.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.