sao anh lại chết nhỉ? Vì hoảng sợ quá mà anh phải tìm cái chết để trốn chạy? Hay vì chán nản, thất vọng mà anh
đã phải bỏ ra đi một cách đau đớn thế? Dù trong trường hợp nào cái chết của anh cũng vẫn là bi thảm. Nó cũng là
một lời nhắc nhở, cảnh cáo đối với rất nhiều người còn sống, kể cả với Mẫn, trong việc đối xử với con người.
Cúi đầu đi chậm chạp, Mẫn suy nghĩ mãi về công việc của mình. Dường như lúc này anh càng cảm thấy nó
nghiêm ngặt biết bao. Đó là công việc có liên quan, có tác động trực tiếp và nếu không muốn nói là cực kỳ hệ
trọng tới số phận, thậm chí tới cả sinh mạng của từng con người. Mà mỗi con người đâu có phải chỉ là một con số
vô trí! “Mỗi con người là một tiểu vũ trụ” – Ai đã nói thế nhỉ? Mỗi con người là cả một thế giới, đúng như vậy cả
về vật chất lẫn tinh thần…
Tiếp tục cất bước, anh lại cố nghĩ tới Thùy Dương để cho đầu óc mình được trở lại thoáng đãng hơn.
Mẫn về tới thành phố Hồ Chí Minh vào buổi trưa thì buổi chiều Võ Trần cũng lật đật trở về. Anh chàng đã gày
nhẳng nay qua những ngày đi thẩm tra trở về càng gày rốc, cái cổ cò càng dài ngoẵng với cục yết hầu như lồi ra
tựa một quả táo.
Thấy cái ba lô của Võ Trần lép xẹp. Mẫn hỏi:
- Quần áo đâu cả, hay để quên ở các địa phương?
Võ Trần lắc đầu:
- Bán hết trơn hết trọi rồi!
Mẫn tròn mắt:
- Sao vậy? Hết tiền hả?
- Còn gì nữa! Đi cùng khắp. Tiền nào cho xuể. Công tác phí là cái gì? Trợ cấp đâu có! Tôi còn phải bán cả
chiếc đồng hồ nữa kia.
Mẫn không khỏi thở dài.
Võ Trần đã tìm đường về quê quán của ông Ba Tín trước vì muốn trong cùng một thời gian Mẫn và Võ Trần sẽ
cùng tìm hiểu về một người. Quê gốc ông Ba ở một tỉnh Cực Nam Trung Bộ. Sau gần một ngày đường, lúc đáp
xe đò, khi lội bộ, khá vất vả, Võ Trần đã tìm được đến cái làng xa xôi hẻo lánh của ông. Võ Trần đã mường
tượng trước cảnh xóm ấp vùng này, nhưng tới nơi anh vẫn gần như ngỡ ngàng trước một vùng chiến tranh đã tàn
phá rất nặng. Hòa bình đã hơn 5 năm, mà cây cối vườn tược vẫn chưa được phục hồi đầy đủ, dấu vết tàn phá của
đạn bom vẫn còn khá rõ. Dân cư thưa thớt. Chính quyền mới do những người trẻ tuổi, hầu hết là mới lớn;đang
gánh vác.Họ hoàn toàn không biết Lê Xuân Tín là ai.Từ sau giải phóng chưa thấy ông trở về thăm làng quê. Họ
chỉ được nghe nói láng máng đó là con ông bà Lê Xuân Uy.
Võ Trần đã cố tìm gặp được thêm mấy người nữa, đó là mấy cụ già trên dưới 80 tuổi vẫn còn sống. Các cụ xác
nhận là làng này có ông bà Lê Xuân Uy, vốn là tá điền rất nghèo và khổ. Cũng xác nhận anh Tín là con ông bà
này, và cũng đúng là hồi 1949, anh đã được đưa ra chiến khu để vào bộ đội, và từ đó đi biệt. Gần đây mới được
nghe phong thanh: đâu như ông Tín làm cán bộ khá to gì đó. Nhưng vẫn chưa thấy về chơi lần nào…
Tất cả chỉ có thế. Tóm lại, quê hương ông đã cung cấp cho Võ Trần những tài liệu không hơn gì những điều mà
chính ông Ba đã viết trong lý lịch của mình: thành phần cố nông – bản thân lao động, 1949 được đưa ra vùng
kháng chiến, vào bộ đội miền Tây, sau chuyển miền Đông…
Tuy nhiên, Võ Trần vẫn cảm thấy mình phải tiếp tục lần mò nữa. Vì tất cả những gì đã được xác minh, dù có
“sáng như ban ngày”, nhưng vẫn mới chỉ là những năm đầu của cuộc kháng chiến. Còn về sau? Đúng vậy, còn cả
một thời kỳ dài về sau. Còn biết bao nhiêu chuyện. Mà cái đoạn bị tù, rồi ra tù thế nào? Đoạn này đã được phát
hiện và chỉ ra là chưa được rõ ràng và tỉ mỉ. Vậy phải đi tiếp. Võ Trần, sau một đêm suy nghĩ, đã quyết định
chấm dứt việc lang thang ở xã ấp mà anh thấy không còn ích lợi gì nữa. Anh chuyển nhanh sang bước hai của kế
hoạch “kiếm tìm” – cái kế hoạch nhỏ nằm trong “Chương trình Anh Đào 1”. Anh đã sục vào các trại tập trung sĩ
quan quân đội Sài Gòn cũ đang học tập và cải tạo.