phải làm việc cho chúng. Nếu không: Một là sẽ chết. Hai là địch sẽ công bố
mọi lời cung khai của anh ta, thì với cách mạng, Tín cũng coi như đã chết.
Tín buộc phải nhận lời. Trong bụng thầm nghĩ: nhận nhưng rồi sẽ không
làm gì hết. Nhưng đâu có dễ vậy! Kẻ địch đã không hề khờ khạo. Và Tín đã
phải khai thêm ra nhiều việc khác, người khác, rồi đã phải chỉ điểm cho
chúng bắt gần hết những cán bộ đã học cùng khóa dân vận với Tín trong
rừng sâu và cũng được tung về vùng này hoạt động.
1956, Tín được đưa về giam (vờ) ở Sài Gòn. Tín tiếp tục dấn sâu thêm
vào tội ác. Dưới cái vỏ cán bộ bị tù, Tín đã biết được một số hoạt động của
các đồng chí trung kiên trong nhà giam. Tín lại bí mật chỉ điểm cho địch
bắt.
1957, địch giả vờ đưa Tín ra xử án công khai và kết án tù rồi đày đi Côn
Đảo. Ở đây, Tín lại tiếp tục đóng vai một người tù hiền lành, khù khờ dễ
bảo nhưng đã nhiều lần mật báo cho địch về các hoạt động của các đồng chí
ta ở trong lao.
Cho tới 1958, được tuyên bố mãn hạn tù. Tín được đưa về tạm giam ở Chí
Hòa để “làm thủ tục” trở về quê cũ.
Nhưng, như Võ Trần đã khổ công tìm tòi phát hiện: trong tờ khai ra tù:
Tín viết là về quê. Nhưng thật ra, theo đúng kế hoạch đã mật ước với địch,
Tín tới thành phố Z với nhiệm vụ: tìm cách để được trở về với hàng ngũ
cách mạng càng sớm càng tốt, theo kế hoạch của địch.
Ở Z Tín đã làm đủ mọi nghề: thợ xây, thợ mộc, làm vườn, sau đó đã bắt
liên lạc được với một người cùng ở tù với Tín trước đây, nay cũng mãn hạn
và về làm ăn. Người này tin Tín và giới thiệu cho Tín bí mật về Sài Gòn bắt
liên lạc với một cán bộ cách mạng sống hợp pháp dưới cái vỏ: một chủ tiệm
thuốc tây. Người chủ tiệm bàn cách cho Tín sống hợp pháp bằng cách xin
đăng ký lấy căn cước. Và thật lạ, xin một cái được cảnh sát quận 3 (quản lý
cả nhà lao Chí Hòa) cấp giấy chứng nhận ngay. Được cấp giấy chứng nhận