Sau khi bí mật nhận nhiệm vụ với CIA, Tín vẫn giữ nguyên mọi quan hệ
với Tổng nha cảnh sát ngụy và phủ đặc ủy tình báo trung ương (ngụy). CIA
đã “ném” lên Z quán cà phê Tuổi Mộng để làm cơ sở bí mật riêng cho Tín.
Nó có nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh của CIA và chuyển các báo cáo của
Tín về Sài Gòn. Như vậy cùng một lúc Tín làm việc cho ba nơi: Đảng bộ Z,
tình báo ngụy và CIA. Nhưng CIA là cái cuối cùng và là chủ yếu. Cứ như
vậy 5 năm trôi qua…
Nhưng rồi không ngờ chiến thắng của Cách mạng quá lớn, quá nhanh.
Mùa xuân 1975, Quân Giải phóng ào ạt tiến tới. Là người vẫn đóng vai
“cán bộ cách mạng sống hợp pháp”. Tín được trao nhiệm vụ chuẩn bị động
viên các cơ sở ở Z đưa quần chúng nổi dậy hưởng ứng các hành động quân
sự lớn của ta. Tín chưa kịp cho vợ chồng quán Tuổi Mộng chạy về Sài Gòn
báo cho CIA, cũng may, ngày cuối cùng của Mỹ ở Z, một nhân viên CIA đã
từ Sài Gòn mạo hiểm mò lên. Tín bí mật lẻn vào một cơ quan “văn hóa Mỹ”
để gặp nó – tên đó cho biết: Lệnh của trung tâm là tất cả các nhân viên CIA
phải ở lại, dù tình hình biến chuyển xấu tới đâu. Dự kiến của Mỹ là phải
nằm im, nghe ngóng, chờ thời. Có thể vài tháng, và một năm, thậm chí vài
năm… Trong thời gian tạm nằm im chờ thời cơ như vậy sẽ không có liên
lạc của Trung tâm (trừ trường hợp thật đặc biệt). Các điệp viên phải tạm cắt
đứt liên hệ với các cơ sở đi lại hoặc giao thông cũ. Vì vậy Tín không được
liên hệ với quán Tuổi Mộng nữa.
Từ đó, thực hiện đúng ý đồ của CIA, Tín đã không liên hệ với cà phê Tuổi
Mộng. Cho tới khi vợ chồng quán Tuổi Mộng bị tai nạn xe hơi chết, quán
cà phê bị bán đi, Tín cũng không quan tâm tới. Một mặt vẫn mong chờ liên
lạc với Trung tâm nhưng một mặt Tín lại thầm cầu mong chúng quên mình
đi, như vậy cũng rất tốt cho Tín. Đó là một mâu thuẫn, một xung đột nội
tâm dai dẳng. Tuy vậy Tín vẫn cứ phải âm thầm chuẩn bị bến bãi và lực
lượng. Gần đây lỡ để xảy ra vụ bao vây đồn, biết là hết sức sơ hở, có nguy
cơ bị lộ, Tín cũng lo.