như thế này cũng có nghĩa là được xóa dấu “liên can chính trị” và được
nhập hộ ở Sài Gòn.
Tín ở Sài Gòn, đóng vai làm công cho một số nhà thầu. Cho tới một buổi
chiều tháng 10 năm 1959, Tín đang đi trên đường phố, chợt có một người lạ
mặt đi xe đạp sát vào bên, và khẽ hỏi: “Anh có phải Tín không?”. Tín đáp
phải. Người đó hỏi: “Anh đã thực thi nhiệm vụ thế nào, báo cáo đi, tôi là
người của cấp trên đây”. Tín toát mồ hôi. Vắn tắt vài lời, Tín báo cáo lại
những gì mình đã trải qua. Người đó bảo: “Được đấy, tiếp tục đi. Cứ sống
như vậy. Sẽ có chỉ thị sau”. Rồi y biến mất trong đám đông. Tín cứ bàng
hoàng mãi. Một tháng sau, người chủ tiệm thuốc tây báo cho Tín biết: Tín
đã được báo cáo lên cấp trên. Sẽ có người về gặp. Đúng như vậy. Một đồng
chí của Đảng bộ thành phố Z đã bí mật về Sài Gòn để gặp Tín. Ông nói
chuyện với Tín về tình hình cách mạng miền Nam, rồi giao cho Tín nhiệm
vụ cứ tiếp tục hoạt động hợp pháp.
Nhận nhiệm vụ, Tín làm đơn xin phép cảnh sát quận 3 Sài Gòn chuyển về
U. để sinh sống. Cảnh sát quận 3 đồng ý liền, không có gì khó khăn hết.
Tín về U. gặp lại gia đình một người cán bộ (có tên là Vược). Gia đình
này nhận thư và ảnh của Vược, đã vui lòng cho Tín ở trong nhà, giả làm
người làm thuê. Gia đình này làm nghề mộc. Tín cũng võ vẽ chút ít. Cũng
không ngờ trong thời gian này Tín đã có một diễm phúc: cô em gái của
Vược đã yêu chàng trai làm thuê tuy không điển trai nhưng rất mực hiền
lành, chăm chỉ này, và hai người đã trở thành vợ chồng. Sau đó Tín nhận
được chỉ thị của một đồng chí thị ủy Z gọi về Z hoạt động. Tín bèn đưa cả
vợ con trở về Z, nơi đã khá quen thuộc.
Số phận của Tín lúc này đã có một bước ngoặt: Tín đã “lọt mắt xanh” của
CIA Mỹ cùng với nhiều tên nhân viên khác của tình báo ngụy., Nói một
cách khác: CIA đã muốn đoạt chiếm một số nhân viên của ngụy để làm việc
cho mình về kế hoạch hậu chiến…