- Ờ, biết chứ!
- Vậy sao chú không điện ngay về Saigon bắt luôn nó cho được việc? Ty
đỡ mất công tìm tòi tra xét. Chú cháu mình cũng khỏi mất oan mấy ngày
nghỉ mát.
Hiệp phì cười, cất tay mặt khỏi bánh lái, vỗ vào lưng thằng Lộc bộp bộp
và nói:
- Đừng có lẫn lộn cái giả với cái thực nghe cháu. Những gì chú đoán chỉ
là một giả thuyết. Giả thuyết còn mơ hồ vì có thể còn những dữ kiện khác
mà mình chưa hay biết. Vậy đâu có thể chỉ căn cứ vào một giả thuyết đưa
ra quá sớm để bắt hay tha người ta được. Phải về Saigon coi những gì chú
suy đoán có thực sự xẩy ra không đã chứ.
- Nếu giả thuyết ăn khớp với thực tế thì sao chú? – Thuận hỏi.
- Thì vẫn cứ để cho cơ quan sở tại người ta làm việc. Có thể họ đi một
đường lối khác nhưng rồi họ cũng đến một kết quả như mình.
- Sao lạ vậy chú?
- Có chi lạ đâu! Chẳng qua cũng như hai cậu học trò cùng giải một bài
toán đố. Một cậu giải bằng số học, một cậu giải bằng đại số. Nhanh chậm
tuy có khác nhau đôi chút nhưng nếu giải đúng cách thì cũng cùng trúng
một đáp số…
Thừa lúc Thuận và Lộc chưa kịp lên tiếng chất vấn thêm, Hiệp kết thúc:
- Thôi, tốp chuyện trinh thám lại nghe. Hai đứa để yên cho chú lái. Trời
tối rồi, vô ý gây tai nạn thì khốn đó.
Hai đứa cụt ứng, ngồi im thin thít một lúc rồi quay ra nói chuyện trời
trăng mây nước với nhau, chán rồi ngủ gà ngủ gật.
Xe đến Thủ Đức, Hiệp lay hai đứa dậy, hỏi:
- Thế nào, hai cậu, sắp đến Saigon rồi. Các cậu muốn đi ăn tiệm hay là
về nhà tắm một cái cho mát trước đã?
- Thôi, chú ơi – Thuận nói – chú cho chúng cháu về nhà tắm rửa rồi ăn
cơm ở nhà luôn đi. Ông nội thường dậy : thời buổi này, đồng tiền khó kiếm
lắm, nhất là đồng tiền lương thiện. Phải tằn tiện hết sức mới giữ được
thanh giá con người. Cái gì xét ra nhịn tiêu được thì nên nhịn.
- Đồng ý – Hiệp nói – nhưng nhà hiện không có người làm. Chú cháu
mình ăn cơm nhà thì má cháu lại phải vào bếp mất công…