3. Bàn về vô tín ngưỡng bi ai và thuyết ngộ đạo hiện đại
Trước khi toan tính trả lời câu hỏi này chúng ta hãy sắp xếp lại chủ đề và các
kết quả của hai suy tư trên đây. Mới thoạt nhìn có thể tưởng rằng ý thức bi quan
đầy cay đắng về “uy quyền của bóng tối” trên thế gian và thái độ sùng bái bóng
tối như sức mạnh sáng tạo, sinh ra từ tình trạng suy đồi của chủ nghĩa nhân văn,
thực chất là những định hướng trí tuệ cùng huyết thống. Trong giả định này có
một phần sự thật là chúng cùng đối lập với niềm tin lạc quan ngây thơ vào sự
hùng mạnh thực tế và tính tất thắng của những nguyên lí thiện và lí tính trong đời
sống con người. Trong so sánh với niềm tin lạc quan ngây thơ ấy, dựa trên việc lí
tưởng hóa cả cấu trúc thực tại của hiện hữu trần gian và nhất là của cả bản chất
thực tại của con người, hai khuynh hướng tinh thần thời đại hiện nay mà chúng ta
xem xét đều có thể được xác định là vô tín ngưỡng; cả hai khuynh hướng ấy thực
chất là tổng kết một trải nghiệm cuộc sống đầy cay đắng nào đó, vạch trần những
quan niệm lạc quan trước đây như là ảo tưởng. Marx chắc chắn đã đúng khi,
chống lại thái độ ca ngợi dễ dãi về cái thiện bẩm sinh của con người, đã chỉ ra sự
hùng mạnh của thói hám lợi và tính vị kỉ giai cấp; Nietzsche cũng đã đúng khi
vạch ra trong chủ nghĩa nhân văn thô thiển thói tự phụ tự say mê chính mình của
con người, thật không chịu nổi trong tất cả thói ti tiện và dung tục “quá con
người” ở nơi thực thể bẩm sinh của nó.
Nhưng đến đây chấm hết sự giống nhau giữa hai hình thức suy đồi của chủ
nghĩa nhân văn, ở một bên, và ý thức về “uy quyền của bóng tối” được trình bày
ở trên. Xét về tổng thể hay dựa trên motif chủ yếu xác định chúng, thì hai định
hướng trí tuệ ấy không những không giống nhau mà còn đối nghịch nhau gay gắt.
Thực vậy, quan niệm về “uy quyền của bóng tối” chứa đựng khía cạnh quyết định
là phủ định chủ nghĩa không tưởng, là phủ định niềm tin vào tính khả thi trạng
thái lí tưởng của cuộc sống con người và thế gian. Ngược lại, quan niệm mà thái
độ sùng bái “bóng tối” dựa vào và chúng tôi gọi nó là chủ nghĩa không tưởng ma
quái, như ta vừa thấy, kết hợp một cách phản tự nhiên và đầy mâu thuẫn phủ định
sức mạnh của cái thiện, niềm tin vào sức mạnh của các khôi nguyên tăm tối, với
chính cái chủ nghĩa không tưởng độc đáo, tức là với niềm tin rằng bóng tối chính
là sức mạnh sáng tạo được ban cho để thực hiện trạng thái lí tưởng của hiện hữu