Titan chiến đấu chống lại thần linh, mà còn không thể được đặt trên cơ sở nào
khác hơn là cơ sở sinh học. Xu hướng thực chất đúng đắn gợi ý con người nhớ lại
nguồn gốc và sứ mệnh cao cả, quý tộc, “siêu nhân” của nó đã biến thành thái độ
ca ngợi con người siêu nhân như một chủng loại hay sắc tộc động vật cao cấp,
trong đó thước đo chiều cao của chủng loại chính là nhân tố uy quyền, tính tàn
nhẫn, tính vô đạo đức đầy ngạo mạn; không hẳn là một kẻ ác thời phục hưng
Cesare Borgia, cũng không hẳn là gã người Đức cổ đại - “một kẻ vô lại tóc
vàng”. Vậy là trên thế giới đã xảy ra một sự kiện đáng sợ đầy khốc hại: việc vượt
qua chủ nghĩa nhân văn thô thiển đã trở thành việc tuyên cáo chủ nghĩa vô lại.
Mới đây thôi cái hỗn hợp kì quặc và ghê tởm này của những hồi tâm tinh
thần thật thiên tài và những lầm lạc đạo đức đầy mê sảng còn có thể tưởng chừng
như một bông hoa lạ thường nào đó của tư duy quý tộc lẻ loi; và sự việc chủ
nghĩa Nietzsche nhanh chóng trở thành thời thượng tưởng chừng như hẳn vẫn
còn là thứ tiêu khiển trí tuệ của giới phù hoa tương đối vô hại cho đời sống. Giờ
đây, sau khi chủ nghĩa Nietzsche bị thô tục hóa đã thành cơ sở, thoạt tiên là cho
học thuyết của giới quân phiệt Đức, và sau đó là kết hợp một cách thiếu tự nhiên
với thói mị dân và thái độ sùng bái “quần chúng”, suy đồi thành lí thuyết và thực
hành của chủ nghĩa quốc xã, - bây giờ thái độ sùng bái tính tàn bạo không biết
thương xót, những nỗi khủng khiếp của cuộc chiến tranh tổng lực, việc hủy diệt
“các chủng tộc thấp hèn” trong các buồng hơi ngạt, đã cho thấy tình trạng suy đồi
của chủ nghĩa nhân văn và cuộc chuyển hóa của nó thành chủ nghĩa vô lại, trên
thực tế đã dẫn đến điều gì.
Ở trong diện mạo của chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Nietzsche, chủ nghĩa
nhân văn thô thiển đã sụp đổ nội tại. Sự tố giác tính ảo tưởng và tính mâu thuẫn
của nó, vốn dĩ không tránh khỏi và hoàn toàn chính đáng tự thân, như vậy đã dẫn
đến kết quả ghê tởm đầy khốc hại. Sự tố giác việc sùng bái thần thánh hóa con
người như một thực thể tự nhiên đã mang tính chất phủ định niềm tin vào bản
thân ý tưởng con người - vào tính thánh thiện của con người như hình tượng của
Thượng Đế. Diễn đạt điều này theo thuật ngữ của chủ đề chính ở trong những suy
tư của chúng ta, ta có thể nói: suy xét tính vô căn cứ của tư duy cho rằng, thực thể
con người mang tính tự nhiên và chưa được hồi tâm, có thể là người sáng tạo và
thể hiện ánh sáng cao cả, [tư duy ấy] dẫn đến một cách đầy nghịch lí thái độ sùng
bái trực tiếp bóng tối như lực lượng tự phát có khả năng tự bản thân mình sinh ra
ánh sáng.
Chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Nietzsche - đối lập với nhau trong những
phương diện khác - như vậy hóa ra lại nhất trí với nhau trong thái độ sùng bái này