niềm tin vào điều thiện nữa. Trong chủ nghĩa Marx chủ nghĩa nhân văn được dự
tính trở thành chủ nghĩa thần nhân Titanx, như niềm tin vào chiến thắng của khởi
nguyên nổi loạn trong con người, được thực hiện thông qua tình trạng buông thả
sức mạnh của cái ác. Mâu thuẫn giữa quan niệm về mục đích và tương lai của
con người và quan niệm về bản chất đích thực của con người, hay là giữa mục
tiêu tiến bộ của con người và các phương tiện để thực hiện nó, ở đây đã đạt tới độ
căng thẳng khiến cho có thể nói về tình trạng tha hóa nội tại của tư tưởng nhân
văn ở trong chủ nghĩa Marx.
Cuối thế kỷ XIX đã mang tới một hiện tượng nhiều ý nghĩa nữa về sự tha
hóa của chủ nghĩa nhân văn thô thiển. Nó được thể hiện trong những ý tưởng của
Nietzsche. Công lao vĩ đại nhất của Nietzsche là ở nơi ông, tư duy của con người
đã đi tới ý thức minh bạch về tình trạng bất tương hợp giữa khái niệm con người
đã bị làm ô uế và thái độ sùng bái con người mang tính nhân văn. Bất chấp thái
độ hưng phấn phản tôn giáo và phản Kitô giáo của Nietzsche, việc ông khước từ
tôn kính con người trong thực thể thường nghiệm, tầm thường, tự nhiên - hay như
chính ông đã nói, “mang tính con người, quá đỗi con người” - bộc lộ ra một hoài
vọng tinh thần nào đó của ông có tính tôn giáo đích thực và chứa đựng gợi ý về
một sự thực cơ bản nào đó bị quên lãng. Trong công thức hành văn cô đọng của
ông: “con người là một thứ gì đó phải được vượt qua” đã tổng kết tình trạng phá
sản bên trong của chủ nghĩa nhân văn thô thiển và tuyên án tử hình cho nó. Trong
công thức khủng khiếp này chứa đựng một hồi tâm mơ hồ rằng con người ở trong
thực thể thuần túy tự nhiên là đi lệch khỏi một ý tưởng cao cả nào đó của con
người, rằng tính người đích thực trong con người, thực thể cao cả, “siêu nhân”
của nó chính là thực thể thần nhân và rằng trong ý nghĩa đó khởi nguyên con
người-tự nhiên phải được vượt qua và bừng sáng lại. Thế nhưng chân lí cứu độ bị
lãng quên này chỉ đến với Nietzsche một cách mơ hồ và trong tư duy của ông nó
đã bị xuyên tạc thật ghê gớm và kinh khủng. Đòi hỏi “vượt qua con người” ở đây
đồng thời có nghĩa là lật đổ bản thân ý tưởng con người. Cái hiện thực mà từ xa
xưa trong suốt bao thế kỷ - cho dù được hiểu đúng hay hiểu sai đi nữa - đã luôn
luôn được tiếp nhận như thể hiện trên trần thế của khởi nguyên cao cả, thần
thánh, suy ngẫm cuộc đời, cái hiện thực con người trong khác biệt của nó với tất
cả những thực thể còn lại thuần túy mang tính tự nhiên - [hiện thực ấy] ở đây đã
bị quẳng xuống vực thẳm.
Thế chỗ vào đó là cái gì? Vì lẽ Nietzsche bị cầm tù trong xu hướng truyền
thống phản Kitô giáo và phản tôn giáo của chủ nghĩa nhân văn thô thiển, cho nên
ý tưởng “siêu nhân” không những buộc phải mang tính chất chủ nghĩa thần nhân