vụ đó với nhau, thì ở đó chúng ta có vấn đề với lầm lẫn tiêu vong của chủ nghĩa
không tưởng mà chúng ta đã làm sáng tỏ khá đủ rồi, ấy là lầm lẫn, như ta đã thấy,
không dẫn đến cải thiện trên thực tế mà lại dẫn đến làm xấu đi nặng nề tình trạng
của cõi trần gian. Hoàn thiện cõi trần gian không thể là “cứu độ” cho nó, vì
chuyện này, như nhiều lần đã được chỉ ra, là thắng lợi chung cuộc của “Vương
quốc Thiên Chúa”, nhờ đó mà cái ác sẽ bị thủ tiêu triệt để và cõi trần gian sẽ
được cải tạo lại thành tạo vật mới, được rạng chiếu xuyên suốt bởi sự thật và sức
mạnh của Thượng Đế. Đó sẽ là cái “hồi kết thúc”, khi Đức Kitô sẽ “đánh gục tất
cả các kẻ thù xuống dưới chân mình” và “trao lại vương quốc cho Thượng Đế và
Cha”. Theo ý tưởng sâu sắc của vị tông đồ Paul, dấu hiệu nhìn thấy được bề
ngoài của cuộc cứu độ cõi trần gian ấy, sẽ là “hồi kết siêu hình học của cái ác” -
cái chết trong tư cách cuộc chính biến bản thể luận đích thực ở trong tạo vật: “kẻ
thù cuối cùng bị tiêu diệt, ấy là cái chết”. Vì hoàn toàn rõ ràng là với sự ngự trị
của cái chết, thì tính chất bi thảm và không hoàn hảo của cuộc sống vẫn còn chưa
được vượt qua.
Ngay từ đây đã thấy rõ rằng, không chỉ có việc ngăn chặn cái ác cho cõi trần
gian - như đã được chỉ ra ở trên nhân một vấn đề khác - mà mọi việc hoàn thiện
của con người với ranh giới không thể vượt qua ngăn cách với cứu độ đích thực
cõi trần gian về thực chất, - dù cho trái tim con người vẫn thiên về trộn lẫn hai
nhiệm vụ ấy (chính là trái tim đầy đau khổ trước các tai họa của cõi trần gian).
Nếu đi theo truyền thống Phúc Âm, chúng ta sẽ tư duy cứu độ theo tương đồng
với “chữa lành”, - thì khác biệt giữa cứu độ và hoàn thiện cõi trần gian đại khái
tương ứng với khác biệt giữa chữa lành triệt để khỏi bệnh tật và chữa chạy tạm
bợ, chỉ làm dịu đau đớn và củng cố sức lực cho người bệnh. Việc chữa lành bệnh
tật của cõi trần gian là việc làm vượt quá mọi sức lực con người và chỉ vừa sức
với Thượng Đế toàn năng. Việc chữa chạy thứ hai của tính tích cực con người chỉ
có thể được củng cố bởi các sức mạnh ân phúc. Trong đó việc hoàn thiện cõi trần
gian, chứ không vượt qua nó như nó là thế, nhất thiết phải thực hiện trong các
hình thức phạm trù của hiện hữu trần gian vốn quen thuộc với chúng ta, tức là
quy về việc cải thiện tương đối cuộc sống ở cõi trần gian - ở trong các phạm vi
khả dĩ trong tình trạng chung không hoàn hảo bản thể luận của cõi trần gian, tức
là trong các điều kiện của hiện hữu trần gian được xác định bởi sự kiện cơ bản
của tội lỗi vốn không thể xóa bỏ được đối với các nỗ lực của con người. Trong
suy tưởng của mình về lịch sử toàn thế giới Kant nói thật sắc sảo: “từ cây gỗ cong
queo mà con người được tạo ra, chẳng có thể làm ra được cái gì thẳng thớm cả”.
Người nào, trong tình trạng mù quáng và ngạo mạn của mình, không thèm tính