Thoạt trông, kế hoạch này rất trẻ con, nghe như một mánh khóe lợi dụng
cả đống yếu tố ngẫu nhiên.
Nhưng có thể nào cô ta chọn thực hiện kế hoạch này chính vì những yếu
tố đó?
Ai có thể đoán được sự tồn tại của một kế hoạch vụng về như thế?
Ai có thể nhận ra âm mưu giết người đằng sau một tai nạn do may rủi
như thế?
Và thực tế đã chứng minh: cảnh sát đã nhận định đây chỉ là tai nạn giao
thông đơn thuần. Bạn học của tôi cũng vậy, tất cả đều cho rằng Tsukimori
là một cô gái bất hạnh vừa mất cha do một tai nạn.
Tôi dám cá ngay cả người bị hại cũng chẳng thể tin cô ta chính là hung
thủ.
Và ngay cả tôi cũng thế, nếu tôi chưa từng biết về “công thức sát nhân”.
Mà cho dù kế hoạch có thất bại, chuyện phát sinh theo sau chẳng là vấn
đề lớn. Dù gì mọi thứ cũng chỉ dựa vào may rủi; nếu xét đến khả năng
thành công, hầu như ai cũng nghĩ đó là chuyện không tưởng.
Nhưng chính đặc điểm này là mấu chốt của công thức sát nhân.
Những kế hoạch viết trong đó đều dựa trên yếu tố ngẫu nhiên. Vậy
không phải ngay từ đầu cô ta đã đoán chúng sẽ có thể thất bại hay sao?
Mục tiêu của Tsukimori là bố cô ta – người lúc nào cũng ở gần bên mà
cô ta có hàng đống cơ hội để xuống tay. Có thể so sánh như vầy là không
chính xác, nhưng chẳng phải “mưa dầm thấm đất” rất phù hợp với công
thức này sao?
Tất nhiên Tsukimori không hề nóng vội. Cô ta chỉ cần một ngày nào đó
đối tượng sẽ phải chết. Có lẽ cô ta cũng chỉ nghĩ như vậy.
Tuy nhiên, chắc chắn cô ta không muốn bị phát hiện.
Tôi đã nhận ra ngay từ lúc vừa đọc tờ giấy công thức rằng kế hoạch lập
ra trong đó không chỉ để giết người, mà còn để sống thản nhiên ngay sau
đó.