Dì Dương đã già, bà cũng giống như những người khác, lúc nào cũng
thích nhắc đến nhà họ Diệp như thể đó là một gia tộc vô cùng phồn thịnh.
Thực ra những người nhà họ Diệp cũng chẳng có mấy người, người thì
chết, kẻ thì ốm đau, người thì bỏ đi, kẻ lại mất tích, cuối cùng chỉ còn lại
một người ngoài là cô.
Căn phòng đầu tiên ngay đầu cầu thang của dãy hành lang dài chính là
phòng đọc của Diệp Khiên Trạch. Trước khi Hướng Viễn đến đây, lúc nào
cô cũng thấy ánh đèn lóe ra từ cửa căn phòng khép hờ ấy, thời gian anh ở
trong đó nhiều hơn bên cô rất nhiều. Ngay sát phòng đọc chính là phòng
của Diệp Linh, Diệp Linh mất sau khi Hướng Viễn về làm con dâu nhà họ
Diệp được ba năm. Từ đó, trong mấy năm khi Khiên Trạch vẫn còn ở đây,
căn phòng này trở thành cấm địa, cửa lúc nào cũng đóng im ỉm, bây giờ
đến cả dì Dương nếu không có chuyện gì bất đắc dĩ lắm thì cũng không bao
giờ chịu bước vào. Tuy Diệp Linh là do một tay bà nuôi nấng nhưng bà nói,
mỗi lần vào căn phòng đó đều cảm thấy âm u đáng sợ. Hướng Viễn thấy
nực cười, cô chưa từng tin quỷ thần bao giờ nhưng cô nhớ rõ lúc ấy, máu
thấm đẫm người Diệp Linh, chảy đầy ra sàn, vấy đầy tay cô, vẫn còn có hơi
ấm và vị tanh tanh, rửa thế nào cũng không sạch. Một ký ức như thế, dù là
ai cũng không muốn nhắc đến, đó cũng là lý do cô rất hiếm khi mở cánh
cửa phòng ấy.
Cha mẹ Khiên Trạch vốn ở trong phòng ngủ chính nhưng sau khi con
trai kết hôn, họ đã chuyển đến căn phòng lớn ở phía nam. Bà Diệp là kế
mẫu của Khiên Trạch, đã qua đời vì bệnh ung thư dạ dày. Trong ấn tượng
của Hướng Viễn, đó là một phụ nữ trầm lặng, dạy mỹ thuật ở trường đại
học. Bà không phải mẹ ruột của Khiên Trạch nhưng giống như những
người nhà họ Diệp khác, trên người bà luôn phảng phất sự cảm tính và nét
dịu dàng ấm áp.
Những năm này, người gần gũi với Hướng Viễn trong Diệp gia lại là bố
chồng cô - Diệp Bỉnh Lâm - nhưng sức khỏe ông không được tốt, đã bị