suốt. Sự nghiệp của bố tôi lúc ấy chưa phất lên, suốt ngày ở ngoài đường,
dì Dương cũng chưa đến, một mình dì chăm sóc A Linh. Tôi thường thấy
bà đờ đẫn ngồi bên mép giường của A Linh, giống như nhìn một con quái
vật, đến giờ uống thuốc cũng không hay. Năm mười bốn tuổi, A Linh sốt
cao mãi không hạ, cứ hôn mê suốt, tôi không yên tâm, thế là tan học xong
về nhà thăm, không ngờ đúng lúc dì đang cầm một chiếc gối từ từ đè lên
mặt A Linh…”
Nghe đến đây, Hướng Viễn cũng rùng mình nhưng dường như cảm nhận
được sự ác độc tuyệt vọng mà đáng thương ấy. Một dấu vết tội ác được
gieo lại từ cơn ác mộng, chuyện nó là máu thịt của ai cũng không rõ, không
dám cũng không muốn truy cứu, thậm chí không dám đụng đến, mà đó lại
là con gái của chính mình.
“Tôi rất kinh hãi, chẳng nghĩ gì bèn quăng luôn gối, nhưng dì lại cười,
nói tôi không phải sợ, nếu bà ra tay được thì Diệp Linh đã chết không biết
bao nhiêu lần rồi. Sau đó bà van xin tôi đừng kể cho bố nghe. Khi ấy tôi
chẳng hiểu gì cả, chỉ thấy bà là một người phụ nữ vô cùng đáng sợ, nên tôi
chất vấn: “Dì sợ à?”. Bà nói với tôi, giờ bà chẳng sợ gì cả rồi, chỉ sợ bố tôi
đau lòng. Hôm ấy, khi bà đi khỏi, A Linh choàng tỉnh dậy, không nói câu
nào mà chỉ run rẩy túm lấy ống tay áo tôi, tôi đoán cô ấy biết tất cả. Lớn
thêm vài tuổi nữa, tôi nghe phong thanh từ lời họ hàng mới biết được
chuyện trước kia của dì, cũng bắt đầu hiểu bà hơn. Tôi có thể tượng
đượclúc không có ai bên cạnh, chắc chắn bà cũng rơi không biết bao nhiêu
nước mắt, giống như mẹ tôi… Hướng Viễn, một người có bao nhiêu nước
mắt để rơi? Tôi rất sợ những đôi mắt rơi lệ ấy. Những tình cảm quá lệch lạc
và những cảm xúc vui buồn quá mạnh mẽ thực ra đều là nỗi ám ảnh. Chính
vì không đặt xuống được nên mới đau khổ nhiều như vậy.”
Hướng Viễn bắt đầu nhận ra: “Thế nên, tình cảm của Diệp Linh cũng là
sự ám ảnh?”