ANNA KARENINA - Trang 659

si tình vuốt ve người yêu, thì thật khó chịu cho chàng si tình kia. Mikhailov
cũng có cảm giác khổ tâm như vậy khi phải xem tranh Vronxki: ông thấy
nó thật lố bịch, đáng bực, thảm hại và chướng mắt.
Vronxki ham mê hội hoạ và thời Trung cổ không được bao lâu. Chàng cũng
tạm đủ ý thức thẩm mĩ để dừng lại không vẽ nốt bức tranh nữa. Thế là nó bị
dở dang. Vronxki mơ hồ cảm thấy rằng những chỗ kém của mình lúc đầu
còn chưa rõ rệt, sẽ càng hiển nhiên, nếu vẽ tiếp. Chàng cũng giống
Golenichsev, ông này cảm thấy mình không có gì đáng nói ra, bèn tiêu thời
giờ để tự lừa dối bằng cách thầm nhủ là tư tưởng mình chưa đạt tới trình độ
chín muồi đầy đủ và còn phải bồi dưỡng đến nơi đến chốn, đồng thời thu
thập tài liệu. Nhưng điều đó làm Golenichsev tức tối và đau khổ, còn
Golenichsev thì không thể tự lừa dối, tự giày vò mình và nhất là không thể
vì thế mà cay cú được. Với tính quả quyết sẵn có, chàng liền ngừng không
vẽ nữa, chẳng cần giải thích, hoặc thanh minh gì cả.
Nhưng thiếu sự bận bịu đó (Anna ngạc nhiên về sự tỉnh ngộ của chàng),
cuộc sống của chàng và nàng hình như vô vị trong cái thành phố Ý này;
chàng thấy cái biệt thự (2) đột nhiên trở nên bẩn thỉu và điêu tàn; những vết
bẩn ở màn cửa, những kẽ nứt sàn nhà, những gờ tường rạn lở bỗng có vẻ
nhớp nhúa; quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có độc Golenichsev và vị giáo sư
người ý cùng nhà du lịch người Đức làm bạn, tất cả đều chán ngấy không
chịu được: phải thay đổi cuộc sống thôi. Họ quyết định trở lại nước Nga, về
ở nông thôn.
Tại Petersburg, Vronxki dự định sẽ chia gia tài với anh, còn Anna thì muốn
đến thăm con trai. Họ sẽ ở một trang trại lớn của Vronxki đến hết mùa hè.
Chú thích:
(1) Palazzo (tiếng Ý trong nguyên bản).
(2) Palazzo (tiếng Ý trong nguyên bản).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.