mừng, - Stepan Ackađich nói. - Cháu còn nhớ bác không? Chú bé quay
phắt lại nhìn bố.
- Thưa bác có ạ, - chú nhìn Oblonxki trả lời và lại cúi mặt xuống.
Stepan Ackađich gọi cháu lại cạnh mình và cầm lấy tay nó.
- Thế nào, cháu ra sao rồi? - ông hỏi, muốn gợi chuyện nhưng không biết
nói gì.
Đứa bé đỏ mặt và không trả lời. Nó tìm cách gỡ tay ra. Ông bác vừa buông
ra, nó liền đưa mắt dò hỏi bố và chạy đi, như con chim được thả tự do.
Một năm đã trôi qua từ khi Xerioja gặp mẹ lần cuối. Từ đó, nó không bao
giờ nghe nói đến mẹ nữa. Rồi nó đi học, làm quen với những đứa bé cùng
lứa tuổi, thân với chúng. Những mơ ước và kỉ niệm khiến nó lâm bệnh sau
lần mẹ đến thăm, không còn ám ảnh nó nữa. Khi những mơ ước và kỉ niệm
đó trở lại, nó thận trọng xua đi, coi là đáng xấu hổ, chỉ xứng với bọn con
gái chứ không hơp với một thiếu sinh. Nó biết một sự xung đột đã chia rẽ
bố mẹ, nó phải ở lại với bố và cố làm quen với ý nghĩ đó.
Nó thấy khổ tâm phải gặp lại ông bác rất giống mẹ, vì việc đó lại đánh thức
dậy trong lòng nó những kỉ niệm mà nó cho là đáng xấu hổ. Càng khổ tâm
hơn vì, qua vài câu lọt vào tai khi đứng chờ ở cửa buồng giấy và nhất là
qua vẻ mặt bố và bác, nó chắc hai người đã nói đến mẹ nó. Và để khỏi phải
chê trách ông bố mà nó phải chung sống và chịu phụ thuộc, và nhất là khỏi
nhượng bộ thói đa cảm mà nó cho là mất thể diện, Xerioja cố tránh nhìn cái
ông bác đã đến phá rối sự yên tĩnh của mình, tránh nghĩ đến những cái ông
gợi lại trong trí nhớ.
Nhưng khi Stepan Ackađich từ biệt ông em rể, gặp nó ở cầu thang và hỏi
nó thường chơi gì trong giờ nghỉ, bấy giờ, ở xa bố, Xerioja tỏ ra lém lỉnh
hơn.
- Lúc ấy, chúng cháu chơi tàu hoả, - nó nói với bác. - Như thế này, bác hiểu
không: hai đứa ngồi trên chiếc ghế dài. Đó là hành khách. Một đứa đứng
lên đó và tất cả bám vào. Chúng cháu kéo qua các phòng bằng tay hoặc
bằng thắt lưng. Chúng cháu mở tất cả cửa từ trước, nhưng làm lái tàu khó
lắm!
- Người đứng ấy à? - Stepan Ackađich mỉm cười hỏi.