Kể từ sau thông báo ấy, tôi đã cố gắng la hét, năn nỉ, cầu xin, khóc lóc,
nhưng không cách nào thuyết phục được bố nghĩ lại. Thế là, giờ tôi có một
tấm hộ chiếu và thị thực du học mới cáu cạnh, cái nào cũng đề tên tôi: Anna
Oliphant, công dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Lúc này, tôi ở đây với hai
đấng sinh thành – sắp xếp đồ đạc trong một căn phòng còn nhỏ hơn cả cái
vali của tôi – và là lính mới sẽ học năm cuối ở trường Mỹ tại Paris.
Nói vậy không có nghĩa tôi là đứa vô ơn. Ý tôi là, đây là Paris đấy. Thủ
đô hoa lệ! Thành phố lãng mạn nhất thế giới đấy. Tôi không chống đối nó.
Chẳng qua toàn bộ câu chuyện nội trú quốc tế này dành cho bố tôi hơn là
cho tôi thôi. Kể từ lúc ông đi ngược lại nguyên tắc của mình và bắt đầu viết
những cuốn truyện dở tệ rồi biến chúng thành những bộ phim còn hơn cả dở
tệ, ông đã cố gắng gây ấn tượng với những người bạn New York có thế lực
bằng mức độ tân tiến và giàu có của mình.
Bố tôi không tân tiến. Nhưng bố tôi giàu sụ.
Trước đây mọi chuyện không như thế. Khi bố mẹ tôi còn ở với nhau, gia
đình tôi nói đúng ra thuộc tầng lớp trung lưu cấp thấp. Nhưng trong khoảng
thời gian hai người ly dị, mọi chuyện đã thay đổi đi nhiều. Giấc mơ trở
thành nhà văn miền Nam vĩ đại của bố tôi đã bị thay thế bằng tham vọng trở
thành nhà văn có sách được xuất bản. Bố tôi bắt đầu viết những cuốn tiểu
thuyết có bối cảnh là Thị Trấn Nhỏ Georgia, nơi những con người với Giá
Trị Mỹ Cao Đẹp Rơi Vào Lưới Tình nhưng rồi bị lây nhiễm những Chứng
Bệnh Nguy Hiểm Khôn Lường và Chết Ngỏm.
Tôi nói chuyện nghiêm túc đấy nhé.
Thứ đó làm tôi chán ngán cùng cực, nhưng các quý bà thì mê mẩn. Họ
yêu tác phẩm của bố tôi, họ phát cuồng với chiếc áo len kiểu vặn thừng, nụ
cười trắng sáng và cả nước da cháy nắng của ông. Họ đã biến bố tôi thành
một nhà văn ăn khách dở hơi chẳng biết để đâu cho hết.